Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân 202220/01/2022 - 14:57:00 Sáng 20-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022. Cùng dự tại điểm cầu trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương.Dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. Hà Nội tập trung chống dịch theo tiêu chí “3 không” Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu dịch Covid-19 đến ngày 19-1, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, trong đó có 36.114 ca tử vong (1,7% tổng số ca nhiễm). Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Thời gian qua, ngành Y tế đã quyết liệt triển khai giám sát quản lý rủi ro dịch Covid-19 tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, nơi thường xuyên có đông người như: Chợ, siêu thị, nhà ga, bến xe, cơ sở khám, chữa bệnh, trường học…). Cùng với đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các yêu cầu về “5K + vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân + các biện pháp khác”. Đặc biệt, Việt Nam đã tập trung vào chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ nước tiếp cận vắc xin chậm nhưng đến nay tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng của Việt Nam đã thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Tính đến hết năm 2021, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều. Tính đến ngày 19-1, nước ta đã tiếp nhận 209,6 triệu liều. Hiện, cả nước đã tiêm được hơn 172 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78,4 triệu liều, mũi 2 là 71,7 triệu liều và mũi 3 là 14,3 triệu liều. Tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I-2022. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả. Cùng với các kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế. Nguyên nhân là biến thể Delta khiến số ca nhiễm Covid-19 trong giai đoạn lây lan nhanh, đột ngột, gây quá tải hệ thống y tế của một số địa phương. So với thời kỳ tháng 8 và tháng 9-2021, đến nay, số tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao. Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vắc xin. Đơn cử như tại thành phố Hồ Chí Minh, An Giang… 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin. Báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ rõ, số ca bệnh nặng tăng cao khiến cơ sở vật chất của nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn; năng lực thu dung, điều trị tại một số nơi còn bất cập. Đặc biệt, qua hai năm chống dịch, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao... Thời gian qua, đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế. Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, Thủ đô luôn được Trung ương, Chính phủ quan tâm về mọi mặt, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng chính là kim chỉ nam và là công thức trong chỉ đạo phòng, chống dịch từ thành phố đến cơ sở, từ đó thành phố đã chủ động thích ứng trong suốt thời gian qua... - Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. Nhắc lại thời điểm ngày 19-7-2021, trong buổi làm việc với Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phải bảo vệ tuyệt đối cho Thủ đô, an toàn cho sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô đã nỗ lực hết mình vì mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19 hiệu quả. Điểm qua một loạt con số để minh chứng cho kết quả nỗ lực của ngành Y tế Hà Nội trong năm qua, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội tiếp tục được kiểm soát. Hiện, thành phố đang áp dụng việc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó tầng 1 (gồm bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng) chiếm tỷ lệ cao nhất tới 95,45%, số còn lại điều trị tại tầng 2 và tầng 3. Trong tổng số ca Covid-19 tử vong được ghi nhận trên địa bàn thành phố có đến 85-87% là người già, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin. Đặc biệt, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng trong việc thần tốc tiêm vét cho người trên 50 tuổi, có bệnh nền để giảm tỷ lệ tử vong, Hà Nội đã nỗ lực triển khai để hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên là 98,9%, tỷ lệ tiêm 2 mũi cho người trên 50 tuổi đạt 96,6%... “Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội sẽ tập trung vào 3 không: Không nhiễm, không chuyển nặng, không tử vong. Toàn bộ nền tảng này sẽ giúp Thủ đô bình tĩnh, quyết đoán, chủ động trong mọi tình huống”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để “mở cửa” an toàn Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực của toàn ngành Y tế nói chung cũng như sự đóng góp quên mình của các cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch nói riêng, đồng thời nhấn mạnh 5 bài học được đút rút qua hoạt động chống dịch thời gian qua. Bài học thứ nhất là cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư. Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn, từng thời điểm khó khăn, chúng ta phải bình tĩnh, có những quyết định quan trọng. Thứ hai, cần có cách tiếp cận đúng, chọn cách tiếp cận toàn dân, tiếp cận từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch. Thứ ba, tổ chức thực hiện quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và mở rộng. Thứ tư, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tộc và tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Thứ năm, trong bối cảnh càng khó khăn, phức tạp, chúng ta càng phải phát huy tinh thần dân chủ, tranh thủ trí tuệ tập thể, giữ vững nguyên tắc, tham khảo ý kiến, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Riêng bài học rút ra từ công tác phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, từ một địa phương rơi vào “vùng đỏ”, đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển sang “vùng xanh”. Thậm chí, thành phố đã “mở cửa”, nhưng tốc độ lây lan, số ca nhiễm mới vẫn giảm mạnh. Hơn nữa, số ca chuyển nặng, tử vong cũng giảm xuống thấp nhất. Thành quả này có được, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhờ “vũ khí” vắc xin. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đạt độ bao phủ tiêm 2 mũi mà cả việc tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi đều đạt tỷ lệ cao. Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để an toàn khi “mở cửa”. Cũng qua công tác chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Y tế phải khắc phục yếu kém của y tế dự phòng và y tế cơ sở. Ngoài ra, các địa phương phải có giải pháp thu hút nguồn lực y tế tư nhân, tăng cường hợp tác công - tư và phải linh hoạt. Cùng với đó, Bộ Y tế cần tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, nhất là rà soát cơ chế, chính sách, có chế độ thu hút được nguồn lực y tế trong phòng, chống dịch nói riêng và khám, chữa bệnh nói chung. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chiến dịch tiêm vắc xin xuyên Tết (diễn ra từ ngày 1-2 đến 28-2-2022) mang tên Chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân 2022. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch hướng dẫn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các địa phương phải tập trung thần tốc và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc xin để “mở cửa” an toàn nhằm phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội. Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người: Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play. Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên. Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. Theo Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|