Theo Đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc, sáng 17/5 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, bang California, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các buổi tiếp các doanh nghiệp, nhà khoa học Việt kiều và Hoa Kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi ăn sáng làm việc với một số doanh nghiệp Việt kiều trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, thách thức của kiều bào, doanh nhân Việt kiều tại Hoa Kỳ trong thời gian khó khăn vừa qua do đại dịch, đồng thời bày tỏ trân trọng, cảm ơn đóng góp của các doanh nhân, kiều bào với công tác phòng chống dịch trong nước cả về vật chất và tinh thần.
Thủ tướng nêu rõ, càng trong khó khăn, thách thức, người Việt Nam lại càng đoàn kết, phát huy mạnh mẽ bản sắc, truyền thống lịch sử - văn hóa, nhất là truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Thủ tướng mong muốn các doanh nhân luôn khỏe mạnh, kinh doanh thành đạt, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tôn trọng pháp luật sở tại; không ngừng nỗ lực chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; luôn hướng về và đóng góp cho quê hương, đất nước, cũng như đóng góp cho quan hệ toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học-công nghệ, hoạt động văn hóa-nghệ thuật.
Tại cuộc gặp, các doanh nhân Việt kiều đã phát biểu, đóng góp ý kiến về các chính sách thu hút nhân tài, quảng bá hình ảnh Việt Nam và các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước... tới các nhà đầu tư toàn cầu, cũng như đề xuất, kiến nghị về một số dự án, chương trình cụ thể đang triển khai trong nước.
Lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp Việt kiều, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, thiết lập cơ chế làm việc trực tuyến để có thể trao đổi thuận lợi hơn với các Việt kiều, trong đó có Việt kiều tại bờ Tây Hoa Kỳ, nghiên cứu thêm các chính sách thuận lợi hơn cho Việt kiều đóng góp, cống hiến cho đất nước.
Ông đồng tình với các ý kiến cho rằng Việt Nam phải phát triển được các ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim, chế tạo máy...
Đồng thời, xác định con người là vốn quý nhất, phải phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất con người Việt Nam. Thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan xử lý các đề xuất, kiến nghị về các chương trình, dự án cụ thể tại Việt Nam.
Tiếp ông Sandy Gupta, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương và các lãnh đạo của của Tập đoàn Microsoft, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Microsoft đạt nhiều thành công trong thời gian vừa qua và đang triển khai chương trình chuyển đổi số trên toàn cầu trong đó có Việt Nam; mong muốn Microsoft triển khai có hiệu quả các chương trình tại Việt Nam và đóng góp các khuyến nghị để Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Ông Sandy Gupta và các cộng sự cho rằng, thế kỷ này là thế kỷ của châu Á và Việt Nam là nước có đóng góp lớn. Hiện, Microsoft đang đầu tư lớn, triển khai các chương trình lớn như phát triển công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo, phát triển mã nguồn mở, xây dựng ứng dụng tạo điều kiện cho mọi tổ chức có thể tiếp cận hệ sinh thái để sáng tạo, chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp; đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh mạng...
Lãnh đạo Microsoft cho rằng, Việt Nâm có dân số trẻ, đất nước năng động, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Microsoft mong muốn xây dựng kỹ năng số cho mọi người cả khối tư nhân, nhà nước; phát triển khoa học dữ liệu tại Việt Nam.
Hiện Microsoft đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam triển khai các chương trình này, trong đó có công nghệ giúp tăng cường tính minh bạch và tin cậy, phòng, chống tham nhũng.
Microsoft mong muốn hợp tác với Việt Nam chuyển đổi số; đảm bảo an ninh mạng; giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050; góp phần giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Microsoft với các ý tưởng dành cho Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do chính Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban nhằm thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số; đề nghị Microsoft phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện, quá trình phát triển của Việt Nam; góp phần phát triển Microsoft, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam; góp phần xây dựng quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ ngày càng thực chất và hiệu quả và vì phát triển chung trên thế giới; trên tinh thần hợp tác chân thành, tin cậy và trách nhiệm, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giáo sư, Tiến sỹ Ruth O’Hara, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Đại học Stanford, Phó Chủ tịch Đại học Y Stanford và các Giáo sư của Đại học Stanford.
Tại buổi tiếp xúc, Giáo sư, Tiến sĩ Ruth O’Hara và các Giáo sư của Đại học Stanford chúc mừng, đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua; cho rằng Việt Nam là điểm sáng trong phòng, chống dịch của thế giới; chính Đại học Stanford đã tìm hiểu, học tập.
Giáo sư Ruth O’Hara và các cộng sự cho biết, Đại học Stanford là trung tâm khoa học, đào tạo có nhiều nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam. Đại học có thế mạnh, với nhiều thành tựu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là AI trong y khoa.
Ngoài ra, nhà trường có các trung tâm và đang tập trung nghiên cứu các phương pháp và y dược để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trong tương lai.
Hiện Đại học Stanford đã và đang hợp tác với một số tổ chức, trường Đại học của Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự nhìn nhận, đánh giá cao của Giáo sư Ruth O’Hara và các cộng sự đối với công tác phòng, chống dịch của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng cho biết, trong phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã hoàn thiện và áp dụng công thức “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân.” Qua đó cho thấy công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch.
Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh rất khó lường, do đó Hoa Kỳ xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại Hà Nội để tăng cường dự báo, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với AI, phải có dữ liệu lớn (Big data) thì việc ứng dụng công nghệ trong đời sống mới đồng bộ, hiệu quả. Do đó, cùng với hợp tác triển khai đào tạo AI, đề nghị Đại học Stanford giúp Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.
Thủ tướng mong muốn Đại học Stanford và cá nhân các Giáo sư, nhà khoa học của trường tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam và triển khai thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước, nhất là các thỏa thuận vừa được lãnh đạo hai nước thống nhất trong chuyến thăm này.
Trong đó hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế; kinh nghiệm phòng, chống dịch; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hợp tác để nghiên cứu, sản xuất các thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm phục vụ khám, chữa bệnh; tìm nguồn tài chính thích hợp; tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ...
Giáo sư Ruth O’Hara và các cộng sự cho rằng, những vấn đề của Thủ tướng chia sẻ, cũng là những lĩnh vực mà trường có thế mạnh và sứ mệnh; cho thấy giữa Đại học Stanford và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác.
Trước mắt có thể triển khai một số dự án cụ thể như “Chương trình bảo vệ bộ não Việt”; “Phòng, chống ung thư gan do siêu vi”; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo kỹ sư AI với mong muốn ghi tên Việt Nam lên bản đồ AI thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ghi nhận, hoan nghênh các ý tưởng hết sức có ý nghĩa của Đại học Stanford; đề nghị Stanford phối hợp với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam; kết nối các nhà khoa học, các nhà quản lý; tổ chức các hội thảo để trao đổi kinh nghiệm; bàn bạc xây dựng, triển khai, biến các ý tưởng thành các dự án thiết thực và hiệu quả./.