Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, một số văn bản triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất; việc biên soạn, thực nghiệm và thẩm định sách giáo khoa còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên chậm được khắc phục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 29. 

Cùng đó, khẩn trương rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản theo yêu cầu tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành trong năm 2024.

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 686, trình Chính phủ trong tháng 12/2023; hoàn thiện Đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình phổ thông 2018, trình Thủ tướng trong năm 2024.

Đồng thời, chỉ thị nêu rõ tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, trình Thủ tướng trong tháng 12/2023.

W-img-7829-1.jpg
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội trong năm 2025.

Cùng đó, chỉ thị yêu cầu ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành SGK. 

Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương thực hiện thống nhất liên thông chương trình, nội dung các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Bộ Tài chính bố trí ngân sách cho giáo dục, đào tạo và kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chịu trách nhiệm rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông; quy hoạch quỹ đất sử dụng cho giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên; thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ SGK cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.