Thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 203022/04/2021 - 08:21:00 Với nhận thức HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, nên trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Ảnh minh họa
THỂ CHẾ HÓA CÁC QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG Từ ca nhiễm HIV/AIDS được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 12/1990, sau gần 5 năm, trước tình hình lây nhiễm vi rút HIV có xu hướng bùng phát và lan rộng ở nhiều địa phương, ngày 11/3/1995, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về “Lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS”. Sau 15 năm, ngày 30/11/2005, Ban Bí thư khóa IX tiếp tục ban hành Chỉ thị số 54-CT/TW về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới” và ban hành Thông báo Kết luận số 27-TB/TW, ngày 9/5/2011 về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư”. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”, trong đó nêu rõ mục tiêu và một số nhiệm vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS HIV/AIDS trong thời gian tới. Để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, từ năm 2005 đến nay, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, tiêu biểu là Luật Phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 30/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 16/11/2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, chỉ thị và nhiều quyết định liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, đáng chú ý là Quyết định số 1020/QĐ-TTg, ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 608/QĐ-TTg, ngày 25/5/2012 của TTCP phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg, ngày 14/8/2020 phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nhờ sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, nên công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính đến năm 2020, theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có khoảng hơn 102.000 người đã tử vong do AIDS, 250.000 người nhiễm HIV còn sống. Dịch HIV đã xuất hiện ở 100% số tỉnh và hơn 80% số xã, phường, thị trấn. Đường lây truyền chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn, qua đường máu và từ mẹ sang con. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy tại 20 tỉnh triển khai giám sát trọng điểm HIV năm 2019 là 12,76% và có xu hướng giảm trong giai đoạn 2005-2015; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong 15 năm qua, Việt Nam liên tục đạt “3 giảm”: giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong do AIDS. Trong 5 năm gần đây, phát hiện số ca nhiễm HIV mỗi năm giảm 2/3 (xuống còn 10.000 ca) và số tử vong giảm 80% (còn hơn 2000 ca). Kết quả này giúp Việt Nam có tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% trong năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90[1] của Liên hợp quốc năm 2020. Theo tính toán của các chuyên gia, Việt Nam đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS. Thành tựu đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã được Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đánh giá là một trong những quốc gia đạt được những kết quả quan trọng, những tiến bộ đáng kể trong việc phòng ngừa sự lây lan của dịch HIV cũng như điều trị cho người sống với HIV/AIDS. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS đã thay đổi tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này. Sự kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm rõ rệt. Các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã ban hành nhiều văn bản về phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm vừa hỗ trợ cho người nhiễm HIV, vừa quan tâm đầy đủ quyền lợi của người tham gia phòng, chống HIV/AIDS cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai quyết liệt, bài bản với sự đổi mới cả về nội dung, sự sáng tạo, linh hoạt về hình thức và sự bao phủ, đa dạng các nhóm đối tượng đã góp phần tạo nhận thức đúng đắn về đại dịch HIV/AIDS, sự thay đổi tích cực về thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từng bước được nâng cao về trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hệ thống Ban Chỉ đạo và tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến cơ sở luôn được củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên. Sự phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khá chặt chẽ và hiệu quả. Nhà nước, toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đã có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong 15 năm qua (đặc biệt, từ nguồn viện trợ quốc tế, ngân sách địa phương, bảo hiểm y tế và xã hội hóa), tập trung cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV, quản lý và giám sát dịch tễ… Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả trong thời gian qua, bao gồm hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, điều trị ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát phát hiện dịch HIV. THỰC HIỆN MỤC TIÊU CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS NĂM 2030 Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn một số hạn chế như: Một số quy định trong văn bản pháp luật, chính sách về phòng chống HIV/AIDS còn thiếu hoặc không còn phù hợp với yêu cầu và bối cảnh tình hình mới. Một số địa phương chưa xây dựng được quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nên chưa có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất; kinh phí dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt tại tuyến cơ sở thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến huyện, tuyến xã ở nhiều địa phương hầu hết kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động tại một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao gặp nhiều khó khăn. Công tác nắm bắt tình hình, thông tin, báo cáo phòng, chống HIV/AIDS của một số địa phương chưa đạt yêu cầu, việc phát hiện dịch bệnh có lúc còn chậm. Độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế…. Trong thời gian tới, HIV/AIDS vẫn sẽ còn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mức độ giảm của dịch HIV/AIDS chưa bảo đảm tính bền vững và còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Hình thái dịch có những diễn biến mới và phức tạp, Việt Nam xuất hiện những hành vi nguy cơ mới như việc sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau; sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn là một thách thức lớn. Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 như cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung chính như sau: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS đã đề ra trong Nghị quyết 20 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Thứ hai, Nhà nước tiếp tục nâng mức đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm bù đắp nguồn lực thiếu hụt do sự cắt giảm viện trợ của quốc tế. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan khác. Tạo môi trường chính sách và cơ chế tài chính thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Thứ tư, tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại các địa phương. Quan tâm củng cố bộ máy tổ chức, bảo đảm đủ nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện. Thứ năm, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cả về nội dung và hình thức, bảo đảm bao phủ mọi đối tượng, tới các cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên. Thứ sáu, tập trung triển khai các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao. Đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở. Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Mở rộng điều trị HIV/AIDS, lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chung; huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng. Công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn sẽ là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong thời gian tới. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác này, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS và chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào trước năm 2030, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
TS. Vũ Thị Kim Anh Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|