Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu03/12/2024 - 14:34:00 Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển và được coi là hướng đi hữu hiệu cho doanh nghiệp để thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự bứt tốc mạnh mẽ của loại hình này, các doanh nghiệp cần phải đầu tư mạnh mẽ, nỗ lực thích ứng để có thể tận dụng cơ hội bứt phá. Ngược lại, nếu chậm chân, doanh nghiệp có thể sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Nhiều doanh nghiệp chủ động “nhập cuộc” Nói về vai trò của thương mại điện tử (TMĐT), bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã thông tin con số thống kê của năm 2023, cụ thể 53% doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu thông qua sàn TMĐT, 47% có sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây. Khoảng 60% DN cho biết giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới chiếm khoảng 10 – 30% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của DN. Đáng chú ý, 60% DN cho biết giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT xuyên biên giới chiếm 10-30% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu của DN. Trong đó, tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT với Hàn Quốc chiếm 45%, Nhật Bản 40% và Trung Quốc là 38%. Số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của DN Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, TMĐT xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước. Những con số trên là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các DN Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế. Thực tế cũng chỉ ra TMĐT xuyên biên giới đem lại nhiều lợi ích cho DN như: Mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh số tăng vọt trong thời gian ngắn; Công cụ giúp tìm kiếm thị trường ngách, thị trường tiềm năng nhanh hơn; Nhanh chóng nắm bắt ý kiến phản hồi của khách hàng để kịp thời cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; Giải quyết bài toán thời vụ… Ông Dương Như Đức - Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình cho biết, DN chuyên sản xuất lân nung chảy và các sản phẩm NPK phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm phân lân của DN đã xuất đi nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và một số nước Đông Nam Á. Theo ông Đức, tiềm năng để DN mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu là rất lớn. Hiện nay DN đang tích cực thông qua các sàn TMĐT để có cơ hội tiếp xúc rộng hơn nữa với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên để đưa sản phẩm đi xa hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, DN xác định cần nâng cao về chất lượng sản phẩm, cũng như hàm lượng dinh dưỡng của các chủng loại sản phẩm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Đồng thời tìm các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm như: đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến hơn; sản phẩm chất lượng cao hơn. Ông Dương Phụ Hàn - Giám đốc Công ty TNHH VIETIMEX cho biết, từ TMĐT, nhiều đối tác quốc tế đã liên hệ và tìm đến DN để kết nối kinh doanh. “Chúng tôi đã tham gia sàn TMĐT Alibaba hai năm nay. Đây là kênh các DN, đối tác mua, bán buôn rất nhiều. Khi DN niêm yết thông tin trên sàn nhiều đối tác đã chủ động tìm đến. Do đó, sàn TMĐT là kênh rất lợi thế để DN đến gần với các đối tác mua hàng trên thế giới. Tuy nhiên, với những nhà bán buôn lượng hàng hóa, trị giá lớn thì việc giao dịch qua sàn TMĐT chưa thuận tiện, bởi những hạn chế trong việc thu phí cao và giới hạn giá trị giao dịch” - ông Hàn chia sẻ. Khắc phục các điểm yếu của doanh nghiệp TMĐT đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Với Việt Nam, TMĐT cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tăng trưởng TMĐT của Việt Nam hiện đang đứng “top” đầu thế giới và Đông Nam Á. Năm 2023, quy mô TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, quy mô TMĐT đạt 30 tỷ USD, đứng “top” 3 Đông Nam Á. Nhiều DN Việt Nam sẵn sàng bước vào cuộc chơi toàn cầu nhưng bên cạnh đó cũng có những DN đang bị chững lại vì chưa tận dụng được cơ hội. Một số DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng TMĐT xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; gặp các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán… Bên cạnh đó, các DN nhỏ thường thiếu nguồn lực để cạnh tranh với các công ty lớn về giá cả và chất lượng dịch vụ. DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ thường gặp khó khăn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu để hiểu rõ thị trường quốc tế. Theo bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương (Indochina), quyết định kinh doanh trên sàn Alibaba.com từ tháng 9/2015 cho đến nay, Indochina nhận thấy, kinh doanh trên các nền tảng TMĐT là phương thức hiệu quả trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, khi đưa sản phẩm ra thế giới, Indochina gặp khó khăn về niềm tin với khách hàng; thanh toán và bảo mật thông tin; logistics và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những vấn đề khác như: lệch múi giờ, ngôn ngữ, thị hiếu khách hàng… cũng là trở ngại đối với DN. Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cũng khuyến nghị DN muốn xuất khẩu hàng Việt nên tham gia sàn TMĐT uy tín để được hỗ trợ, đỡ tốn kém đầu tư. Đồng thời, cần đầu tư cho thương hiệu sản phẩm, tìm đối tác bản địa để hỗ trợ logistic và chăm sóc khách hàng, nắm bắt thị hiếu, nghiên cứu kỹ quy định nước sở tại, tận dụng các chương trình hỗ trợ của Bộ Công thương... Theo đánh giá của ông Yap Kwong Weng - CEO Việt Nam SuperPort, hoạt động thương mại của Việt Nam dự báo tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và các khoản đầu tư công, tạo ra triển vọng tích cực cho TMĐT xuyên biên giới. Đáng chú ý, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hoạt động thương mại trên nền tảng số. Đây sẽ là đòn bẩy, là cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng hóa Việt. Nói về hướng phát triển TMĐT của Việt Nam, giới chuyên gia cũng nhận định, trọng tâm TMĐT xuyên biên giới là logistic, vận chuyển chậm chạp thì không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, DN Việt Nam cần chú ý logistics và khai báo hải quan; đào tạo nhân lực, tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiểu khách hàng. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|