Chiều 6-12, sau hai ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc.

Trong phần phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ các nghị quyết được Trung ương ban hành vừa qua rất hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn nhất quán của Đảng được xác định trong cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Về hai nghị quyết liên quan đến xây dựng nhà nước pháp quyền và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Thường trực Ban Bí thư: Quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn  ảnh 1

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo và kết luận tại hội nghị.
Ảnh: HOÀNG HẢI

Khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc.

Theo ông Thưởng, ngoài chuyện phân cấp, phân quyền thì đòi hỏi phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước để làm sao ai cũng ý thức được quyền hạn, nhiệm vụ và chức năng của mình để làm cho đúng.

Ông cũng cho rằng phải nêu cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn.

Nói về công tác cán bộ, ông Võ Văn Thưởng một lần nữa nhấn mạnh Trung ương quyết tâm rất cao về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã nói rõ nhưng trong thực hiện vẫn chưa tốt. Từ đó, ông yêu cầu kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ. Theo ông, muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, muốn làm gì nữa thì cuối cùng cũng quay lại vấn đề con người.

Ông Võ Văn Thưởng cũng nhắc đến tình trạng tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên. Trong đó, người dân phê bình, nói cán bộ đôi khi vì sự an toàn của mình mà đẩy hết sự khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. “Không phải đẩy cho doanh nghiệp, cho người dân mà đẩy ra khỏi phòng mình được là cứ đẩy, qua phòng bên cạnh cũng được. Cái này phải sửa ngay, muốn sửa thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy phải rõ” - ông Thưởng nhấn mạnh.

Cần tiến tới quy hoạch bền vững

 

Trong chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng truyền đạt chuyên đề về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng cho hay Trung ương Đảng đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; đảm bảo các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. “Đây là những mục tiêu khó, nếu không có giải pháp thực sự quyết liệt sẽ khó thực hiện” - ông Đam nhìn nhận.

Về vấn đề giáo dục, Phó Thủ tướng cho biết Trung ương Đảng đặt mục tiêu phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á; tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260/10.000 dân. “Đây là tỉ lệ thấp so với thế giới. Chúng ta không phải thừa thầy, thiếu thợ mà thiếu cả thầy giỏi, thiếu cả thợ” - Phó Thủ tướng nói.

Về y tế, nghị quyết đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ/10.000 dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Ông cho rằng quan trọng nhất vẫn là tỉ lệ bác sĩ chứ không phải là tỉ lệ giường bệnh. Ngoài ra, tỉ lệ về điều dưỡng cũng rất quan trọng bởi thế giới có một bác sĩ thì có 3-4 điều dưỡng viên, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 thành ra người nhà phải vào chăm, thành ra lây nhiễm bệnh.

“Chúng ta không có nhiều biên chế. Muốn tỉ lệ điều dưỡng tăng lên thì phải tăng biên chế lên gấp đôi. Ở Nhật, một bác sĩ có tới chín điều dưỡng” - ông Đam phân tích.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay nghị quyết đặt mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thu nhập đạt khoảng 27.000-32.000 USD.

Phó Thủ tướng chia sẻ ông có trực tiếp làm việc với nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia này rất đồng tình với quan điểm phát triển của Việt Nam. “Chúng ta không thể nghèo nhưng không cần quá giàu, vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn và nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên” - ông Đam nói.

Giải quyết cho được khâu yếu về tổ chức

Sau hội nghị này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp hơn, tiến hành thường xuyên và xuyên suốt nhiệm kỳ.

Cùng với đó, nghiên cứu kế hoạch thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể có sự phân công, phân nhiệm lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20.

“Chúng ta phải giải quyết được vấn đề mà trong nghị quyết đại hội đã nói rằng khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu” - ông Thưởng nói và yêu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận ở các cấp; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc…