Đó là nội dung đáng chú ý trong kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10 cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, dự toán ngân sách năm 2022 và kế hoạch 2023.
“Ổn định trong các điều kiện bất định”
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Năm 2022, vượt qua khó khăn thách thức, kinh tế xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ, GDP dự kiến cả năm tăng khoảng 8%, 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt…
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, báo cáo cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích này. Đồng thời báo cáo cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung như sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước tình hình nợ xấu gia tăng.
Thực trạng thị trường trái phiếu DN, chứng khoán, bất động sản và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng, an ninh tài chính, tác động của việc neo giữ tỉ giá đô la Mỹ đối với xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối, thực trạng, khả năng kiểm soát lạm phát...
Lưu ý, năm 2023 dự kiến có nhiều khó khăn, thách thức lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần phân tích và có giải pháp đột phá để ứng phó.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 như Chính phủ đã trình. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội đề nghị thuyết minh rõ hơn căn cứ xác định chỉ số CPI là 4,5%, chỉ tiêu bác sĩ/giường bệnh/dân số, chỉ tiêu BHXH chưa đạt.
Ông Hải cũng lưu ý việc theo dõi tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, tình hình giá cả, lạm phát... để chủ động có giải pháp phù hợp, xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ lạm phát của kinh tế thế giới, đảm bảo “ổn định trong các điều kiện bất định”.
Chính phủ cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động để ứng phó với tình hình thế giới, tình hình gia tăng của lạm phát và việc mở rộng chính sách tài khoá để tạo nguồn hỗ trợ chương trình phục hồi.
Đồng thời tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá, điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp, ổn định hệ thống tín dụng, cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật của thị trường chứng khoán, trái phiếu DN và bất động sản.
Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ lạm phát, lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung. Từ đó có giải pháp ổn định giá cả hàng hoá, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện và xăng dầu...
Chưa thực hiện cải cách tiền lương
Về ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện mở rộng chính sách tài khoá để hỗ trợ chương trình phục hồi, cần lưu ý phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...
Đồng thời thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án…. Chính phủ khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn chương trình phục hồi, vốn đầu tư công trung hạn, kiên quyết thu hồi kế hoạch vốn dự án chậm triển khai, điều chuyển cho dự án có khả năng giải ngân...
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công”, ông Hải thông tin.
Thường vụ Quốc hội lưu ý, không kiến nghị những nội dung chưa rõ, chưa cụ thể như điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Chính phủ muốn xin cơ chế ủy quyền, nhưng đây là vấn đề điều chỉnh Chính phủ cần nghiên cứu tiếp thu.
Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, không giao Chính phủ phân bổ các khoản chưa đủ điều kiện phân bổ của ngân sách Trung ương. Chính phủ hoàn thiện thủ tục sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ để bảo đảm nguyên tắc chỉ ủy quyền một cấp.