Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: global.chinadaily)

Phát biểu tại một cuộc họp diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) gồm sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm 77 (G77) và Trung Quốc, ông Guterres lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đang tiếp tục tàn phá cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển.

Ông Guterres nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong chiến lược tiêm chủng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra, với mục tiêu bao phủ vaccine cho 40% ở tất cả các nước trên thế giới vào cuối năm nay và nâng lên 70% vào giữa năm 2022.

“Tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, phải được tiếp cận với vaccine, xét nghiệm và điều trị COVID-19” - người đứng đầu Liên hợp quốc nói, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các nước cho Sáng kiến ACT - Accelerator và Cơ chế COVAX.

Theo dự báo của ông Guterres, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm nay, song tốc độ phục hồi lại đặc biệt không đồng đều. Trong khi các nền kinh tế phát triển đầu tư 28% GDP để phục hồi, thì mức đầu tư của các nước thu nhập trung bình là 6% GDP còn các nước kém phát triển nhất chỉ ở mức 1,8% GDP. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng khẳng định thực tế này đối với ông không phải là điều “gây ngạc nhiên”. Ví dụ, ở khu vực châu Phi cận Sahara, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế tích lũy trên đầu người trong 5 năm tới sẽ thấp hơn 75% so với phần còn lại của thế giới.

“Khoảng cách nguy hiểm này đang có nguy cơ bị nới rộng, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ giảm trong năm tới. Lạm phát gia tăng cũng có thể có tác động tiêu cực đến chi phí đi vay và trả nợ” – người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo.

Trong bài phát biểu cùng ngày, ông Guterres cũng đề cập tới sự biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng và phát triển các công nghệ mới. Qua đó, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi "một bước nhảy vọt lượng tử trong sự thống nhất và đoàn kết" để giải quyết những vấn đề toàn cầu này.

Một nội dung khác được ông Guterres nhấn mạnh đến đó là tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và vai trò của Liên hợp quốc. Các nhóm thành viên của Liên hợp quốc đã công bố kế hoạch ứng phó kinh tế - xã hội cho 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, khoảng 3 tỷ USD đã được tái phân bổ để ưu tiên các hoạt động hỗ trợ ngay lập tức và 2 tỷ USD khác đã được huy động. Ông Guterres đánh giá, những cải cách gần đây đã cho phép Liên hợp quốc đưa ra những điều chỉnh và phản ứng nhanh chóng.

Đề cập tới chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng "chúng ta phải tăng cường nỗ lực trong Thập kỷ hành động này để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững - SDGs. Đây là điều quan trọng để đạt được toàn cầu hóa công bằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn xung đột".

Bên cạnh đó, ông Guterres cũng lưu ý rằng kết quả của Hội nghị COP26 ở Glasgow chỉ đề cập tới sự cần thiết tối thiểu để giữ vững Hiệp định Paris về giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ. Người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của nhóm G77 và Trung Quốc trong năm tới "để gia tăng tham vọng và thúc đẩy tham vọng không chỉ về giảm thiểu, mà còn về thích ứng - một nhu cầu cơ bản đối với rất nhiều quốc gia - về tài chính, tổn thất và thiệt hại, những vấn đề mà chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước phải đi qua."

“Chúng ta cần một bước nhảy vọt về lượng tử trong sự thống nhất và đoàn kết để đưa ra quyết định chung về những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt, từ khủng hoảng khí hậu đến cuộc chiến chẳng khác nào tự sát với thiên nhiên, mức độ bất bình đẳng của sự không bền vững và sự phát triển không được kiểm soát của các công nghệ mới” – ông Guterres nói./.