Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.

NguyenManhHung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội vào chiều 4/11/2022. Ảnh: Quốc hội 

Trong các vấn đề được báo cáo đề cập, có nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.

Ngăn chặn 7.428 web/blog vi phạm, trong đó có 2.245 website lừa đảo

Theo đó, Chính phủ đã đẩy nhanh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; tăng cường kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thu thập, xử lý thông tin cá nhân (nhiệm vụ đang thực hiện).

Cụ thể, Bộ TT&TT thông thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tối thiểu 10% kinh phí chi cho công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin của cơ quan.

Trong các tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã đôn đốc các cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ an toàn thông tin mạng; xác định cấp độ và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ, triển khai mô hình bảo vệ 4 lớp trước khi đưa vào sử dụng...

Bộ TT&TT cảnh báo, khi bị tấn công mạng, mất an toàn thông tin, các cơ quan sẽ phải đối mặt với việc lộ lọt những thông tin, chính sách quan trọng khi đang trong quá trình xây dựng, ban hành. Việc này còn dẫn đến tình trạng bị lợi dụng để đưa các thông tin vi phạm pháp luật, thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả (tấn công thay đổi giao diện, chèn thông tin cá độ, cờ bạc...).

Các đơn vị cũng có thể đối mặt nguy cơ mất quyền kiểm soát, điều hành hệ thống quan trọng hoặc làm gián đoạn hoạt động của hệ thống thông tin.

nhan-dien-thong-tin-xau-doc-tren-khong-gian-mang-1.jpg
Khi bị mất an toàn thông tin, trang web các cơ quan, tổ chức dễ bị lợi dụng để đưa các thông tin vi phạm pháp luật, thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả 

Đến hết tháng 8, cơ quan quản lý ngăn chặn 7.428 web/blog vi phạm, trong đó có 2.245 website lừa đảo; bảo vệ 9,6 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo.

Giai đoạn 2020 - 2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận và cảnh báo, hướng dẫn xử lý 40.629 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Riêng năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 76 website chuyên phát tán, cài cắm mã độc vào máy tính, điện thoại và thiết bị di động của người dân thông qua các phần mềm bẻ khóa. 

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ sẽ chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng. Hàng năm, có khoảng 2.000 kỹ sư an toàn thông tin mạng tốt nghiệp và khoảng 6.000 lượt cán bộ kỹ thuật của cơ quan Nhà nước được đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo triển khai hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia để người dân không bị lừa truy cập vào các website lừa đảo và bị lấy trộm thông tin cá nhân.

Cùng với đó là tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới, duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao (93%).

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng sẽ tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới; đồng thời thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam.

Chặn, gỡ bỏ hơn 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật

Về việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội, cơ quan quản lý đã yêu cầu các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải xác thực người dùng và cung cấp thông tin xác thực người dùng cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Theo quy định, chỉ các tài khoản đã được xác thực (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream. Chủ mạng xã hội chịu trách nhiệm về việc xác thực người dùng, quản lý nội dung livestream, có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24h khi có yêu cầu của cơ quan chức năng…

Ngoài ra, Bộ TT&TT thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…

Cơ quan này cũng đã đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix… phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.

Cụ thể, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em.

Các nền tảng này cũng đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…

Riêng từ tháng 1 - 6, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Nền tảng này cũng gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức và khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.

Google cũng đã gỡ 4.910 video vi phạm trên YouTube; chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV). TikTok cũng đã chặn, gỡ bỏ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó, có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Cổng www.tingia.gov.vn tiếp nhận hơn 5.700 phản ánh, trong đó có 1.642 tin có thể kiểm chứng; 880 tin phản ánh về tin xấu độc; 962 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý…; 933 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng.

Đồng thời, thực hiện công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn phát tán tin giả, tin sai sự thật, thực hiện các bài viết cảnh báo về hiện tượng lừa đảo, phát tán tin giả trên mạng.  

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng. Điển hình như hoạt động livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nội dung phát tán nhanh, khi có vi phạm thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, thu hút rất đông người dùng trong nước, nhưng một số quy định quản lý đã lạc hậu.

Một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, tìm cách né tránh, lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT hoàn thiện dự thảo nghị định mới để siết chặt quản lý các nền tảng xuyên biên giới; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là TikTok, từ đó đề xuất các giải pháp siết chặt quản lý tại Việt Nam.