Dư địa tín dụng còn 950 nghìn tỷ đồng từ nay đến cuối năm
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Như vậy, có thể thấy trong gần 1 tháng trở lại đây, tín dụng đã đi “giật lùi”. Trước đó, NHNN cho biết tính đến 29/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với đầu năm. Điều này có nghĩa, trong gần 1 tháng qua, dư nợ của các ngân hàng không hề tăng lên mà còn giảm đi hơn 0,1%.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức cao hơn mọi năm, sát với ngưỡng định hướng của năm 2023.
Đến ngày 10/7/2023, cơ quan quản lý đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức đã phân bổ cho toàn hệ thống đến nay khoảng 14,5%.
Cũng theo đại diện NHNN, hiện nay, thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế. “Như vậy, xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn” – ông Phạm Chí Quang nói.
|
Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm còn rất lớn |
Do đó, ông cho rằng tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống TCTD, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác.
Cụ thể như: Trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng; Một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...;
Cùng với đó, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các TCTD đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Vẫn có ngân hàng vẫn xin được “nới room”
Trước tình hình khó khăn nêu trên, NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan quản lý khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và không chủ quan với lạm phát.
“Mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hiện còn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nhiều TCTD tăng trưởng âm/thấp, hiện dư địa tăng trưởng còn nhiều, nhưng một số TCTD vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.
Do đó, NHNN đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế” – ông Phạm Chí Quang thông tin.
Đại diện NHNN cũng cho biết thêm, cơ quan này đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng đề nghị các TCTD cần tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.
Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục rà soát, rút gọn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng.