Tổ hợp môn học lớp 10: Đồng hành để học sinh lựa chọn trúng16/07/2022 - 14:18:00 Năm học 2022- 2023, lần đầu tiên học sinh lớp 10 thực hiện lựa chọn tổ hợp môn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 - một việc chưa có tiền lệ trước đây. Đây là cơ hội rất lớn cho nhà trường, phụ huynh và học sinh (HS) được trao quyền lựa chọn, phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân theo định hướng phát triển giáo dục cá nhân hóa người học.
Yêu cầu đặt ra là các Sở GDĐT cần chỉ đạo sát sao, dựa trên cơ sở điều kiện thực tế nhưng cũng phát huy được yếu tố mới, tiên tiến của chương trình, đáp ứng cao nhất nhu cầu lựa chọn của HS. Các trường cũng cần tổ chức tư vấn, định hướng, giải thích kỹ các thắc mắc của phụ huynh trên quan điểm ưu tiên nguyện vọng của HS. Trao quyền cho học sinh Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Thừa Thiên - Huế), nhà trường dự kiến tổ chức buổi gặp mặt cha mẹ học sinh và học sinh mới trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2022-2023 để lắng nghe nguyện vọng, thông tin và tư vấn định hướng việc lựa chọn tổ hợp của học sinh. Tuy nhiên, buổi gặp mặt đang tạm hoãn vì Bộ GDĐT điều chỉnh phương án dạy học môn Lịch sử. Ông Đặng Đức Tuệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban đầu nhà trường xây dựng phương án có 5 tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập ngoài 7 môn học bắt buộc với 5 định hướng rõ về khối thi đại học sau này gồm: A00, A01, B00, D01, D06, D03. “Mỗi HS đăng ký 2 nguyện vọng (NV) về việc chọn tổ hợp môn. Mỗi tổ hợp môn phải có tối thiểu 40 - 45 HS đăng kí thì nhà trường mới tổ chức lớp học. Nếu số lượng HS đăng kí ít hơn 40 thì nhà trường không tổ chức lớp học tổ hợp đó và HS sẽ phải học NV2. Nếu số lượng HS đăng kí cho các tổ hợp vượt chỉ tiêu tối đa thì các em có điểm xét tuyển thấp hơn cũng phải chuyển sang NV2. Trong trường hợp số HS đăng ký nhiều hơn số lượng HS theo dự kiến thì ban tuyển sinh sẽ lấy điểm từ cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu” - ông Tuệ thông tin. Theo khảo sát, gần như phụ huynh đều hướng việc chọn các môn tự chọn dựa theo tổ hợp môn xét tuyển đại học. Tuy nhiên, do các tổ hợp được nhà trường cân đối sắp xếp theo số lượng giáo viên hiện có nên sẽ có những tổ hợp na ná giống nhau, phụ huynh và HS không dễ dàng lựa chọn. Đó là chưa kể sau khi đăng ký NV, HS chưa chắc đã được xếp lớp theo NV1, NV2 mà “rớt” xuống NV3 do đăng ký muộn hoặc điểm thi đỗ vào trường của thí sinh vừa sát điểm chuẩn thì cơ hội sẽ hạn chế hơn các HS điểm thi cao. Tối 14/7, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) đã tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến kéo dài 2 giờ để thông tin tới phụ huynh và HS các thay đổi về tổ hợp môn học mới. Theo đó, Lịch sử sẽ là môn học bắt buộc với thời lượng 1,5 tiết/tuần và chỉ xuất hiện tại 1 trong 4 chuyên đề tự chọn 1 tiết/tuần, không có mặt trong tổ hợp môn học tự chọn 2 tiết/tuần. Trong khi đó, môn Địa lý xuất hiện ở 3 trong 4 tổ hợp môn học tự chọn. Theo lãnh đạo nhà trường, các tổ hợp này được xây dựng dựa trên khảo sát từ nguyện vọng của thí sinh cũng như nguồn lực giáo viên hiện có của trường. Hỗ trợ tối đa các trường và học sinh Theo ông Nguyễn Tân - Giám đốc sở GDĐT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân, Sở đã tính toán đến việc xây dựng kế hoạch, bố trí, điều động giáo viên bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường. Sẽ có lộ trình tuyển dụng, tránh trường hợp tinh giảm với những bộ môn thừa giáo viên mà lại tuyển ồ ạt những bộ môn thiếu sẽ dẫn đến thừa thiếu cục bộ. Liên quan đến việc HS chọn các môn, ông Tân cho rằng, khi HS được trao quyền lựa chọn, các em phải được tư vấn, định hướng của các trường THPT, phụ huynh HS để các em hiểu rõ ý nghĩa của việc chọn tổ hợp, chứ không phải chọn học từng môn theo sở thích. Việc thay đổi lựa chọn, cũng tương tự như việc HS xin chuyển trường đến trường mới không có tổ hợp môn đã học ở trường cũ là một thực tế. Tuy nhiên, nếu học hết lớp 10 mà HS muốn đổi hẳn sang định hướng khác (chẳng hạn từ định hướng Khoa học Xã hội sang Khoa học Tự nhiên) là vô cùng khó khăn, vì khi đó HS phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10, mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành. Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn tổ hợp, bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) cho biết, nhà trường đang phải xây dựng lại kế hoạch dạy và học do thay đổi của môn Lịch sử. Điều này cũng có nghĩa học sinh sẽ có thêm thời gian để cân nhắc lựa chọn tổ hợp tự chọn phù hợp với năng lực cũng như mục tiêu định hướng sau bậc THPT. “Hy vọng Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai dạy môn Lịch sử bắt buộc thế nào từ năm học 2022 - 2023 để các trường lên kế hoạch cụ thể, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới” - bà Na kiến nghị. Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết, ông chia sẻ áp lực với các nhà trường và phụ huynh, HS khi lần đầu tiên thực hiện triển khai Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10 với những khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy các trường đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất, về nhân sự dẫn tới thực tế chưa thể đáp ứng được một cách tối đa như mong muốn. “Việc quan trọng nhất hiện tại là tập trung học tốt những nội dung mà mình đã lựa chọn. Còn những mong muốn cụ thể, phụ huynh trao đổi với lãnh đạo nhà trường, Phòng Giáo dục Trung học cam kết sẽ đồng hành các nhà trường để tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt rất mong muốn các nhà trường đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh phát triển theo hướng cá nhân” - ông Nhâm bày tỏ. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|