Tội phạm lừa đảo qua mạng gây thiệt hại 390.000 tỉ đồng02/06/2024 - 22:14:00 Theo thống kê, trên cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Trong đó có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỉ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Trung tướng Nguyễn Minh Chính, cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an), cho biết hoạt động của các loại tội phạm lừa đảo qua không gian mạng diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bức xúc trong dư luận. Nói về lý do chưa "dẹp" được tội phạm lừa đảo qua mạng, trung tướng Chính cho hay các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật của các nước. "Loại tội phạm này hoạt động chuyên nghiệp, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài. Nhóm này thành lập các công ty chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… để hoạt động phạm tội tại Việt Nam", ông Chính nói. Còn theo một số chuyên gia trong ngành đánh giá, những kẻ lừa đảo thường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những phương thức, thủ đoạn mới, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, sơ hở, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội. Chúng còn che giấu thông tin, xóa dấu vết, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra. Ngoài ra việc người dùng mạng xã hội thiếu ý thức cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng các vụ lừa đảo qua mạng. Nhiều giải pháp chống lừa đảoĐể ngăn chặn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và A05 sắp tới sẽ cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng. Dự kiến, phần mềm chống lừa đảo sẽ mở thử nghiệm diện hẹp (phiên bản Beta) trong tháng 6 và chính thức ra mắt vào tháng 7-2024. Và Cục trưởng A05 Nguyễn Minh Chính cho rằng việc ngăn chặn loại tội phạm này "không chỉ là nhiệm vụ riêng của công an mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, người dân". Theo trung tướng Chính, biện pháp đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức để cảnh giác, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của kẻ lừa đảo. Từ đó người dân mới có thể trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, chống lại các hoạt động lừa đảo. A05 sẽ cùng các cơ quan chức năng, hiệp hội tham mưu Chính phủ xây dựng cơ sở pháp lý, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, như Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Các luật và nghị định này kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mạng. Đại diện A05 cũng thông tin thêm: tiếp tục chỉ đạo lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên toàn quốc triển khai lực lượng, phương tiện nghiệp vụ rà soát, phát hiện các mục tiêu, đối tượng nghi vấn lừa đảo qua mạng để đấu tranh, xử lý. A05 cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để tham mưu, triển khai giải pháp rà soát, định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế tình trạng SIM "rác", tài khoản ngân hàng "rác". Ngoài ra, theo ông Chính, việc áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học với các giao dịch chuyển tiền ngân hàng hoặc nộp vào ví điện tử với các định mức cụ thể cũng nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật. A05 tổ chức các buổi làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook... triển khai các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin liên quan tội phạm mạng lừa đảo qua mạng. A05 sẽ nghiên cứu, thử nghiệm kênh liên lạc bảo mật tương tác trực tiếp giữa lực lượng công an với người dân để tuyên truyền, cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, cũng như tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của người dân kịp thời, nhanh chóng để đấu tranh, xử lý hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Lãnh đạo A05 cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, viễn thông, Internet, ngân hàng thương mại nâng cao trách nhiệm, phối hợp với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý, phòng ngừa tội phạm. Đồng thời xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an nhằm kịp thời ngăn chặn, xác minh các vụ lừa đảo. Theo Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|