Tong cuc Thong ke: CPI 11 thang tang 1,84%, thap nhat ke tu nam 2016 hinh anh 1(Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnam+)

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 0,32% so với tháng trước đồng thời tăng 2% so với tháng 12/2020.  

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê), những nguyên nhân chính làm tăng CPI trong tháng do biến động giá xăng dầu, giá gas tăng theo thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các địa phương đã dần trở lại với trạng thái “bình thường mới” là những yếu tố khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, tính chung 11 tháng, CPI chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đồng thời lạm phát cơ bản cũng chỉ tăng 0,82%.

Chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất

Theo báo cáo, trong mức tăng CPI 0,32%, khu vực thành thị chỉ tăng 0,27% trong khi khu vực nông thôn tăng 0,37%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá so với tháng 10; trong đó chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,1% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm). Nguyên nhân được bà Oanh chỉ ra là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 26/10, 10/11 và 25/11 khiến giá xăng A95 tăng hơn 1.000 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.200 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 800 đồng/lít.

Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng gần 0,5% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm). Bà Oanh cho biết nguyên nhân là giá điện sinh hoạt tăng hơn 1% tại một số địa phương kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,9% khi nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Mặt khác, bà Oanh cho rằng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh “bình thường mới” cùng với chi phí vận chuyển tăng đã làm cho nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng gần 0,3%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng gần 0,3%.

Bên cạnh đó, các nhóm hàng có mức giá giảm là khu vực giáo dục xuống 0,9% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm); trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm gần 0,2% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm) do nguồn cung dồi dào khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến và thủy sản tươi sống lần lượt giảm 4%; 0,34%;1,5% và 0,2%.

Tong cuc Thong ke: CPI 11 thang tang 1,84%, thap nhat ke tu nam 2016 hinh anh 2(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Giá lương thực “leo thang” trong khi thực phẩm rẻ hơn

Theo báo cáo, trong nhóm tiêu dùng tại khu vực hàng ăn và dịch vụ ăn uống chính, chỉ số giá lương thực tăng 0,2% và giá thực phẩm xuống 0,4%.

Cụ thể trong nhóm lương thực, giá gạo tăng 0,2% (khu vực thành thị tăng 0,1%, khu vực nông thôn tăng 0,3%). Lý do gạo tăng giá được bà Oanh chỉ ra là giá xuất khẩu ổn định ở mức cao, cùng với đó mưa lũ ở miền Trung và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng và dự trữ gạo tăng tại một số địa phương.

Trên thị trường, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.400-11.800 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 17.300-18.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 17.700-19.400 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.300-34.200 đồng/kg.

Về thực phẩm, nguồn cung trên thị trường đã được bảo đảm, Hơn thế nữa, người dân không còn tâm lý mua gom tích trữ như thời gian trước. Điều này tác động khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm 5,6% và làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.

Tại các khu vực dân cư, giá thịt lợn hơi dao động khoảng 41.000-47.000 đồng/kg. Các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng được điều chỉnh xuống, cụ thể giá thịt quay, giò, chả giảm 1,7% so với tháng trước, mỡ động vật giảm 0,5%.

Lý do khiến giá thịt lợn giảm sâu là do các cơ sở chăn nuôi đang tăng cường bán ra nhằm hạn chế thua lỗ trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao./.