Phát biểu trên truyền hình LCI, người đứng đầu Forbidden Stories, bà Laurent Richard cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra các số điện thoại này, nhưng không thể phân tích kỹ thuật liên quan đến số điện thoại của ông Macron" để xác định liệu ông có bị ảnh hưởng của phần mềm theo dõi này hay không. Phản ứng về thông tin trên, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết nếu đúng là tổng thống đã bị nghe lén, "việc này rất nghiêm trọng".
Các số điện thoại của quan chức Pháp nằm trong danh sách gồm hơn 50.000 số điện thoại được xác định là các nhân vật được quan tâm từ năm 2016 đến tháng 6/2021 của các khách hàng công ty NSO. Trong danh sách này có số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, cũng như các nhà hoạt động và giám đốc điều hành các công ty, các nhà báo của nhiều tổ chức truyền thông trên thế giới như AFP, Wall Street Journal, CNN, New York Times, Al-Jazeera, France 24, AP, Le Monde, Bloomberg, the Economist, Reuters...
Tuy vậy, không phải tất cả những người nằm trong danh sách này sau đó đều bị tấn công mạng. Khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Maroc, Rwanda, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Forbidden Stories và Tổ chức Ân xá Thế giới (AI) ban đầu đã tiếp cận được với các số điện thoại bị rò rỉ và chia sẻ với các tổ chức truyền thông, trong đó có các tờ báo The Washington Post (của Mỹ), The Guardian (của Anh) và Le Monde (của Pháp).
Trong diễn biến liên quan, đài phát thanh Pháp (Radio France) cùng ngày cho biết số điện thoại của Quốc vương Maroc Mohammed VI cũng nằm trong danh sách trên và là mục tiêu theo dõi của các cơ quan tình báo Maroc. Theo Radio France, số điện thoại của nhiều thành viên Hoàng gia Maroc nằm trong danh sách trên, như Hoàng hậu Lalla Salma Bennani, Hoàng tử Moulay Hicham Alaoui và cả những nhân vật đứng đầu đội cận vệ Hoàng gia... Maroc đã bác bỏ các cáo buộc, khẳng định "chưa bao giờ mua phần mềm máy tính để thâm nhập các thiết bị viễn thông".
Cũng trong ngày 20/7, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador khẳng định hoạt động do thám của các cơ quan chức năng nước này hiện chỉ được giới hạn ở việc theo dõi tội phạm, sau khi Mexico được cho là cũng liên quan đến bê bối do thám toàn cầu này.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Obrador cho biết: "Hoạt động tình báo là nhằm đấu tranh chống tội phạm, để bảo vệ công dân, không phải để do thám phe đối lập, các chính khách, chủ doanh nghiệp lớn hay chức sắc nhà thờ". Ông khẳng định sẽ "không có ai bị do thám nữa" và ông không tin là tồn tại một hợp đồng của NSO với bất cứ ai ở Mexico, nhưng nếu có, điều đó "phải dừng lại". Văn phòng Công tố Mexico đã yêu cầu các cơ quan chính phủ có biện pháp bảo vệ các hệ thống có thể đã bị ảnh hưởng, đồng thời đã mở điều tra về việc này.
Trong danh sách được tiết lộ nói trên có tới 15.000 số điện thoại của Mexico được Pegasus quan tâm. Theo cuộc điều tra của truyền thông, các cơ quan của Mexico đã mua phần mềm này gồm Bộ Quốc phòng, Văn phòng Tổng chưởng lý và cơ quan tình báo an ninh quốc gia.