Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính, tổng thu ngân sách trong 10 tháng năm 2021 ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ước tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong hoạt động thu ngân sách ở thành phố trong nhiều năm gần đây.
Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 311.895 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, thu nội địa trong 10 tháng ước thực hiện 205.079 tỷ đồng, đạt 82,6% dự toán, chiếm 65,8% tổng thu cân đối và tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nếu không kể thu từ quỹ dự trữ tài chính thì thu nội địa giảm 0,3%.
Trong khoản thu nội địa, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 21.994 tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán, chiếm 7,1% tổng thu và tăng 4% so với cùng kỳ; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 54.981 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, chiếm 17,6% tổng thu và tăng 2,7% so với cùng kỳ; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 52.705 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, chiếm 16,9% tổng thu và tăng 3% so với cùng kỳ.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 95.100 tỷ đồng, đạt 88,1% dự toán, chiếm 30,5% tổng thu cân đối và tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Riêng thu dầu thô có tỷ lệ vượt dự toán khá cao do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 10 tháng, thu dầu thô ước thực hiện 11.696 tỷ đồng, vượt 36,8% so dự toán, chiếm 3,8% tổng thu cân đối và tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, ước thực hiện 78.741 tỷ đồng, đạt 95,9% dự toán, chiếm 25,2% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn và tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Nếu không kể thu từ quỹ dự trữ tài chính thì thu cân đối ngân sách địa phương tăng 17,1% so với cùng kỳ.
Theo lý giải của ngành tài chính thành phố, sở dĩ tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 10 tháng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương là do kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng trong hai quý đầu năm nay.
Bên cạnh đó, chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế tiền thuê đất năm 2021 của Chính phủ cũng góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội kéo dài, thu ngân sách trên địa bàn thành phố ghi nhận sự sụt giảm mạnh kể từ đầu quý 3 đến nay, nhất là các khoản thu nội địa.
Việc Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giải pháp tăng cường giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông hàng hóa đã làm tăng trưởng của khu vực kinh tế giảm dần.
Các ngành tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm như bất động sản, tài chính ngân hàng khi qua tháng 7 đều có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai các chính sách giảm, giãn thuế theo quy định. Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố từ tháng 5 đến nay có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước.
Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh được giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước 364.893 tỷ đồng, giảm 10,1% so dự toán năm 2020 và giảm 1,7% so với thực hiện năm 2020.
Với diễn biến thu ngân sách trong những tháng gần đây, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đạt trên 90% chỉ tiêu thu ngân sách trong năm 2021.
Trong những tháng cuối năm, thành phố tập trung triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách hợp lý, vừa đảm bảo tỷ lệ thu cao nhất có thể, vừa chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, thành phố cũng có kế hoạch rà soát các nguồn thu từ nhà công, đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp./.