Bác sĩ Bệnh viện Nhi Hải Dương thăm khám một trường hợp trẻ mắc tay chân miệng (ảnh do bệnh viện cung cấp)
Gần một tháng nay, số trẻ mắc tay chân miệng (TCM) tại Hải Dương phải nhập viện điều trị tăng mạnh. Mặc dù chỉ là loại bệnh phổ biến nhưng TCM vẫn có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu không được phát hiện, chăm sóc, điều trị kịp thời.
Quá tải
Hơn 3 tuần nay, bình quân mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương đón 50 lượt bệnh nhân mắc TCM đến khám, trong đó có 10-15 trẻ phải nhập viện điều trị. Trẻ mắc TCM gia tăng khiến 70 giường bệnh tại khoa này thường xuyên quá tải. “Không có số liệu so sánh cụ thể nhưng so với cùng kỳ 2-3 năm gần đây thì bệnh nhân mắc TCM tăng mạnh. Chỉ những bệnh nhân nặng mới nhập viện điều trị, còn lại chúng tôi sẽ hướng dẫn bố mẹ cho trẻ về chăm sóc tại nhà”, bác sĩ Ngô Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết.
Trẻ mắc bệnh TCM xuất hiện rải rác trong cộng đồng nhưng gia tăng trong khoảng 1 tháng nay. Hầu hết trẻ mắc bệnh thuộc nhóm dưới 5 tuổi. Anh Hồ Duy Tuấn ở xã Nam Trung (Nam Sách) cho biết: “Chỗ tôi sinh sống có nhiều trẻ đã mắc TCM trong khoảng nửa tháng nay, con tôi cũng bị. Tôi phải tạm thời dừng cho con đi nhóm trẻ vì sợ lây bệnh sang các cháu nhỏ khác”.
Theo các bác sĩ, TCM là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát từ tháng 3 đến tháng 6 hoặc từ tháng 9 đến tháng 12. Trẻ mắc TCM thường từ 2-5 tuổi với những biểu hiện phổ biến như viêm loét miệng, nổi ban ở tay, chân, mông, sốt cao 38-39 độ C, biếng ăn, quấy khóc… Trẻ rất dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn của người bệnh, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh TCM chia thành 4 cấp độ, gồm: 1 (thể nhẹ), 2A (nhập viện), 2B (thể nặng), 3 và 4 (suy hô hấp phải điều trị cấp cứu).
Không chủ quan
Những bệnh nhân mắc TCM đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương đều thuộc cấp 2A, chưa có trẻ nào diễn biến nặng. Đa số trẻ mắc điều trị từ 7-10 ngày sẽ được xuất viện. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo cha mẹ không được chủ quan trước bệnh này. Nhiều phụ huynh chỉ đưa con đi khám bác sĩ khi đã quá 2-3 ngày phát bệnh. “Nếu không điều trị kịp thời trẻ có nhiều khả năng sẽ gặp các biến chứng về hô hấp, thần kinh, tim mạch, viêm não”, bác sĩ Ngô Thị Ngọc Lan cảnh báo.
Trẻ mắc TCM ở cấp độ 1 thì cha mẹ có thể cho điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của y tế địa phương. Cần theo dõi sát tình trạng sức khoẻ của trẻ. Khi trẻ sốt cao nhưng uống thuốc không thấy đỡ, ngủ giật mình, run tay chân, đi lại loạng choạng, co giật, nôn ói liên tục, thở mệt… cần đưa ngay tới cơ sở y tế.
Bệnh TCM hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nhiều trẻ mắc bệnh thuộc thể nhẹ, được phát hiện sớm, đang điều trị tại nhà cũng cần theo dõi sát. Để giảm thiểu tối đa biến chứng nguy hiểm do bệnh TCM gây ra, cha mẹ nên cách ly trẻ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người ngoài và tạm dừng đến trường cho đến khi khỏi bệnh.
Một số cha mẹ có con đang điều trị TCM tại Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết họ đã không dám cho con tắm mà chỉ “bao” người, thậm chí có người còn cho con ăn kiêng những đồ tanh như cá, chim… Các bác sĩ cho biết đây là một sai lầm. Trẻ cần được vệ sinh, tắm rửa hằng ngày như bình thường song cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho con ngay sau khi tắm vì lúc này hệ miễn dịch giảm, dễ mắc các loại bệnh khác. Trẻ cũng không phải kiêng khem trong ăn uống.
Virus là nguyên nhân gây ra bệnh TCM nhưng nhiều người lại tự ý đi mua kháng sinh (không có tác dụng diệt virus mà chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn) về điều trị cho con. Khi trẻ mắc bệnh này, cha mẹ cần liên hệ ngay với trạm y tế địa phương hoặc đưa con tới các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.