Thêm nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc
Thêm nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Thêm nhiều mặt hàng trái cây chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, từ năm ngoái Việt Nam đã ký các nghị định thư về trái cây với Trung Quốc đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trái cây, mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu rau quả là sầu riêng (35%), thanh long (13%), chuối (6%), xoài (6%), mít (5%)… Đây cũng là những mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng 2023, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt 33,21 tỷ USD. Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 7,28 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng cao nhất với 22% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu sầu riêng của nước này trong nửa đầu năm nay đạt 787.000 tấn, trị giá 3,83 tỷ USD, tăng lần lượt 57,1% và 64,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường cung cấp chính là từ Thái Lan (600.000 tấn), Việt Nam (186.000 tấn) và Philippines (484 tấn).

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng gồm: dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…

Thêm nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc
Trung Quốc đứng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam.

Thị trường rộng lớn

Đánh giá triển vọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các tháng cuối năm, theo nhận định của Bộ Công thương mới đây, mặt hàng rau quả, với kim ngạch tăng tới 121,9%, chủ yếu là sầu riêng, dưa hấu, trái cây đông lạnh sẽ tiếp tục có triển vọng. Tuy nhiên, xuất khẩu thanh long, xoài suy giảm do nước này tăng sản lượng cung ứng nội địa.

Có thể thấy rằng, hàng hóa nông sản của Việt Nam vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023. Do đó, dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ tăng nhẹ khi một số mặt hàng như: rau quả, gạo, điều vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng; các mặt hàng thủy sản, đồ gỗ, sắn có thể phục hồi nhẹ trong những tháng cuối năm 2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, để thực hiện sách lược giành thị phần từ các đối thủ cạnh tranh, đưa xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc tăng trưởng nhanh trong những năm tới, việc kiểm soát chất lượng trái cây, tuân thủ các quy định của phía Trung Quốc về mã số vùng trồng và mã số doanh nghiệp xuất khẩu được coi là vấn đề trọng tâm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cũng cho biết, để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật, để tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô và Hải Khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại số 1 đối với nhiều loại mặt hàng. Tỷ trọng xuất khẩu một số nông sản Việt sang Trung Quốc cụ thể: 53,7% rau củ; 90% vải thiều, 80% thanh long; 91,5% sắn và các sản phẩm từ sắn; 71% cao su…