Mới đây, Học viện Bưu chính Viễn thông đề xuất lên Bộ GD-ĐT mở ngành đào tạo mới là công nghệ game. Dự kiến, trường sẽ xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành này trong năm nay. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi với VietNamNet, TS Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho hay tiềm năng phát triển ngành game tại Việt Nam hiện nay rất lớn. Đây sẽ là ngành công nghiệp có những bước phát triển nhanh và đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, hiện, các doanh nghiệp Việt chủ yếu đóng vai trò nhà phát hành game hơn là sản xuất, do đó tỷ trọng đóng góp cho ngành game đang không tương xứng với doanh thu.
Ông Thắng cho rằng, để ngành game tại Việt Nam phát triển, việc thiết kế và triển khai chương trình đào tạo bài bản, chính quy về game ở trình độ cao là điều cần thiết.
“Từ góc độ khoa học, game là một khoa học liên ngành. Để tạo ra một tựa game hấp dẫn, ngoài tư duy logic và nền tảng công nghệ phát triển game, người làm game cần kiến thức mỹ thuật, khả năng nắm bắt tâm lý người chơi và am hiểu văn hóa của cộng đồng mà game hướng đến.
Ngoài ra, kiến thức về kinh tế cũng rất cần thiết để đảm bảo tính cân bằng và hiệu quả kinh doanh của game”, ông Thắng nói.
Trước đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có những môn học tiếp cận với chuyên ngành game như thiết kế kịch bản game hay lập trình game… Tuy nhiên, theo TS Cao Minh Thắng, những môn học này chưa đủ để giải quyết tổng thể vấn đề của nguồn nhân lực ngành game.
Do đó, nhân lực làm game của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn đến từ những ngành gần như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa…
“Việc được đào tạo bài bản sẽ tạo ra các chuyên gia trình độ cao, có khả năng thiết kế kịch bản và phát triển game ở các quy mô khác nhau, từ đó tạo ra những game lành mạnh và đem lại doanh thu lớn cho Việt Nam”, ông Thắng nói.
TS Cao Minh Thắng thừa nhận, việc mở một ngành đào tạo mới không dễ. “Ngành game vốn chưa có mã ngành đào tạo chính quy ở bậc đại học. Khi xây dựng cũng cần phải tham khảo chương trình nước ngoài và liên tục có sự điều chỉnh, sau đó phải thông qua nhiều khâu đoạn và hội đồng thẩm định”.
Theo ông Thắng, từ thực tế khảo sát các trường đại học hàng đầu về đào tạo game trên thế giới cho thấy, đào tạo nhân lực có năng lực thiết kế và phát triển game là một chương trình lai ghép.
Khó khăn lớn nhất khi thiết kế và xây dựng chương trình này là đảm bảo hài hòa giữa các khối kiến thức liên ngành từ cơ bản, cơ sở cho đến ngành và chuyên ngành.
Ngoài ra, phương thức đào tạo cần có sự cải tiến theo hướng kết hợp giữa nhà trường và các doanh nghiệp game thông qua các dự án giúp sinh viên trau dồi kinh nghiệm và tăng cường cơ hội việc làm.
Một khó khăn khác là cần cân bằng giữa kiến thức nền tảng và các kỹ năng sử dụng các công cụ hiện đại, từ đó giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp vừa có thể bắt nhịp ngay với công việc thực tế, đồng thời có thể thích nghi lâu dài với sự phát triển không ngừng của công nghệ./.