Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã chính thức được giới thiệu để bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Theo dõi tình hình chính trị trong nước, PGS.TS Vũ Minh Khương -giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) nhận định: Ông Phạm Minh Chính có những thế mạnh quan trọng để trở một thủ tướng xuất sắc của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới. Phóng viên VOV phỏng vấn TS Vũ Minh Khương:
PV: Xin ông cho biết những cảm nhận cá nhân về việc Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Thủ tướng ?.
PGS-TS Vũ Minh Khương: Theo tôi, việc ông Phạm Minh Chính được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Thủ tướng là một điểm nhấn độc đáo trong phương án nhân sự cấp cao đặc sắc được thông qua tại Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phương án lựa chọn này cho thấy khát vọng phát triển và ý chí hành động rất cao của tập thể lãnh đạo Việt Nam trong hành trình đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường vào năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm giành được độc lập.
Dưới góc nhìn của tôi, ông Phạm Minh Chính có những thế mạnh quan trọng để trở một thủ tướng xuất sắc của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới nhờ ba điểm sau.
Thứ nhất, ông Chính là một người có tầm nhìn, tâm huyết, năng động và quyết đoán. Những phẩm chất này đã được tôi luyện và biến thành thành quả ấn tượng khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015) và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Trong trao đổi và tiếp xúc nhiều với cán bộ Việt Nam ở địa phương cũng như Trung ương, tôi thấy có nhiều nhận xét rất tốt về ông.
Thứ hai, nếu được bầu làm Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính được thừa hưởng một di sản quí mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại, không chỉ về tầm nhìn thôi thúc và nề nếp điều hành mà cả ở uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ ba, các thành viên “tứ trụ” khác là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tôi nghĩ họ đều có thể sát cánh cùng ông Phạm Minh Chính trong nỗ lực tiến hành những cải cách đột phá, nền tảng để tạo nên những bước tiến thần kỳ cho công cuộc phát triển của đất nước trong các thập kỷ tới. Tôi tin rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ ưu tú có tầm thời đại và hết lòng vì dân. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp tạo nên nền móng của một nhà nước hiện đại để Việt Nam trở thành một mô hình phát triển đặc sắc của thế kỷ 21. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ giúp tăng cường lòng tin của nhân dân vào đội ngũ lãnh đạo và hệ thống chính trị.
PV: Nếu ông Phạm Minh Chính được bầu vào chức vụ Thủ tướng, ông kỳ vọng gì ở cá nhân Thủ tướng và những quyết sách lớn đối với đất nước trong những năm tới?
PGS-TS Vũ Minh Khương: Tôi tin là ông Phạm Minh Chính, nếu trở thành Thủ tướng, sẽ cảm nhận được trách nhiệm rất lớn lao của mình trong gánh vác trọng trách này và sẽ có những nỗ lực phi thường trong kế thừa và phát huy những thành quả xuất sắc mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm được trong thời kỳ 5 năm đầy thách thức vừa qua.
Tôi kỳ vọng sẽ có những quyết sách lớn trong ba lĩnh vực sau.
Thứ nhất, đó là xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú. Phải làm sao để mỗi bộ ngành và địa phương đều thấy thôi thúc đổi mới và hết lòng vì dân. Tôi rất mong Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành và địa phương báo cáo các sáng kiến có tính đột phá trong cải cách, đổi mới và kết quả đạt được trong từng quí. Các báo cáo này được công khai trên cổng thông tin của Chính phủ và thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp giám sát góp ý. Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội giúp chấm điểm các bộ trưởng theo những tiêu chí cụ thể và sâu sát hơn một cách minh bạch và công khai vào kỳ họp hàng năm để toàn dân biết và luận bàn.
Thứ hai, đó là coi trọng hiệu lực của hoạch định và thực thi chiến lược khi chuẩn bị cho mọi quyết sách lớn. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng các lĩnh vực khó nhưng lợi ích mang lại vô cùng lớn như cải cách doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy chuyển đổi số-nắm bắt Cách mạng công nghiệp 4.0, và phát huy các nguồn lực phát triển, đặc biệt là con người, kinh tế tư nhân và đất đai.
Thứ ba, đó là có cơ chế lắng nghe dân, dùng hiền tài và tích kết sức mạnh tổng lực của dân tộc với thời đại. Làm sao, năng lực này trở thành một tiêu chí hàng đầu trong đánh giá cán bộ hàng năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi ta coi trọng đánh giá tiêu chí gì, cán bộ sẽ nỗ lực vươn lên theo hướng đó. Thêm nữa tiêu chí này không trìu tượng chung chung mà đòi hỏi phải có minh chứng cụ thể rõ ràng.
PV: Vậy đâu là những thách thức đặt ra cho ông Phạm Minh Chính khi giữ chức Thủ tướng Chính phủ ?
PGS-TS Vũ Minh Khương: Trong thời gian tới, cả cơ hội và thách thức phát triển của Việt Nam sẽ ngày càng lớn, trong đó có những cái hôm nay chúng ta không thể lường hết được. Con thuyền Việt Nam lớn nhanh thì sóng gió cũng lớn nhanh. Hơn nữa, cục diện địa chính trị và cạnh tranh kinh tế sẽ không chỉ khốc liệt hơn trước mà còn có những yếu tố bất thường đòi hỏi người thuyền trưởng phải ứng đáp rất tỉnh táo và quả cảm với sự đồng lòng rất cao của toàn xã hội.
Giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa trọng yếu trong kiến tạo nền tảng cho hành trình để Việt Nam làm nên kỳ tích phát triển trong 2-3 thập kỷ tới. Thách thức lớn nhất cho một công cuộc phát triển không ở đâu xa mà nằm ngay trong lợi thế mà mình có sẵn. Đó là nguy cơ xem nhẹ và để sa sút ba trụ cột quyết định hiệu lực của một Chính phủ. Đó là lòng tin của dân, tư duy thực tế chiến lược và trọng dụng hiền tài. Nếu không thấy hết nguy hại của những thách thức này, dân sẽ mất lòng tin, Chính phủ sẽ đưa ra những quyết sách thiếu thực tế và nền tảng chiến lược và người tài sẽ bỏ đi.
Tôi tin, nếu Thủ tướng mới là ông Phạm Minh Chính, ông sẽ hiểu rất rõ những nguy cơ này. Biến thách thức thành cơ hội và lợi thế xuất sắc có lẽ sẽ là một điểm nhấn chiến lược phải chú trọng trong nỗ lực đem lại những bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển của Việt Nam trong năm năm tới.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông/.