Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo |
Sáng nay, 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trình bày các báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15.
Song bên cạnh đó, trong gần một năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” có tác động mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo những rủi ro về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược cùng với sức ép lớn về tỷ giá, ổn định vĩ mô.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo ông, qua đánh giá cho thấy tình hình kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ, tín hiệu đáng mừng nhưng khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm khó, cũng như kế hoạch 5 năm đòi hỏi phải có quyết tâm cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, theo kế hoạch của Trung ương thông qua và Quốc hội, Chính phủ cũng có kế hoạch, từ 1-7-2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tiền lương.
Lần điều chỉnh này không chỉ là điều chỉnh lương, tăng lương, tăng thu nhập mà theo Nghị quyết 27 thì cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Hai việc này đi liền với nhau chứ không phải do điều kiện khó, đời sống khó ta không có tiền để làm, mà cái này là điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của cán bộ, công chức nên cũng phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức” - ông Định nói.
“Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh… là phải có biện pháp xử lý. Thậm chí với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy. Cái này cũng phải làm cả hai mặt chứ không chỉ cải cách tiền lương” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói thêm.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đồng tình với việc thực hiện cơ cấu cải cách tiền lương theo lộ trình, song đề nghị cần quan tâm đảm bảo phù hợp thu nhập cho cán bộ cơ sở giữa các ngành, lĩnh vực, tương ứng với trách nhiệm. Theo ông, lương cán bộ cơ sở, thu nhập từ tiền lương phải phù hợp, tương đồng, tránh chỗ thu nhập cao, chỗ thu nhập thấp mà nhiệm vụ thực hiện như nhau.
Còn Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Dương Thanh Bình đề nghị Chính phủ nên có kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và công khai các bộ, cơ quan giải ngân vốn đầu tư công còn chậm…