Phát huy các sản phẩm thế mạnh
Huyện Tứ Kỳ nằm ở phía đông tỉnh Hải Dương thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được bao bọc chung quanh bởi sông Thái Bình và sông Luộc. Vùng đất này vẫn gìn giữ nhiều truyền thống văn hóa lâu đời gắn với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cộng đồng nông thôn. Mặc dù tất cả các xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã cơ bản đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, có nhiều khu, cụm công nghiệp, nhưng vùng nông thôn vẫn giữ được cảnh quan điển hình của nông thôn Bắc Bộ.
Cũng như các xã ven sông Thái Bình và sông Bắc Hưng Hải, xã An Thanh còn quỹ đất khá lớn. Dọc triền đê xã An Thanh là hàng trăm ruộng rươi (loài nhuyễn thể có hình dạng như con giun, thường sinh sống ở vùng nước lợ hoặc nước mặn) và cáy (loài cua sống ở nước lợ). Bí thư Đảng ủy xã An Thanh Đặng Văn Bích cho biết, trước đây do chưa có quy hoạch đồng ruộng, tình trạng bỏ ruộng nhiều diễn ra phổ biến, việc khai thác rươi, cáy còn mang tính tự phát. Đến nay, xã đã quy hoạch sản xuất 137 ha ngoài bãi ven sông Thái Bình để nuôi rươi, cáy. Bên trong đê có thêm 214 ha được quy hoạch nuôi rươi, cáy đang được đầu tư bờ bao, kênh mương. Giai đoạn 2020 - 2025, xã tập trung triển khai ba giải pháp đột phá, xây dựng bảy đề án trong đó có việc quy hoạch lại vùng sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp. Các đề án đều được thảo luận kỹ, lấy ý kiến của đảng viên tại các chi bộ trước khi triển khai.
Đến nay, huyện Tứ Kỳ đang khai thác 238,2 ha đặc sản rươi, cáy với sản lượng 110 tấn/năm. Cùng với lúa chất lượng cao, rươi, cáy là những sản phẩm OCOP đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Các hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia rất hiệu quả trong hoạt động tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Một số hợp tác xã chủ động liên kết với doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số sản phẩm như lúa, ớt, dưa chuột, dưa hấu, khoai tây, súp lơ. Sản phẩm mắm rươi, rươi cấp đông, mắm cáy của Tứ Kỳ được tiêu thụ rất tốt.
Những năm qua, Tứ Kỳ triển khai nhiều biện pháp bảo vệ sản xuất, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó phải kể đến hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho hơn 98,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Xuân Đạt, trong giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy chỉ đạo triển khai nhiều đề án phát triển kinh tế, trong đó có đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững và đề án Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 90 triệu đồng, giá trị sản phẩm thu hoạch trên mỗi ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 180 triệu đồng, có 10 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, ba xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, các xã còn lại đạt 80% số tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên.
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng
Để thực hiện mục tiêu đó, Huyện ủy Tứ Kỳ quán triệt tới 43 tổ chức cơ sở đảng, hơn 7.500 đảng viên toàn huyện về quyết tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Huyện coi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý môi trường là nhiệm vụ trọng yếu nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm của huyện đã và đang được triển khai như dự án đường 191N, đường tránh thị trấn Tứ Kỳ và đường Tây Nguyên kéo dài giai đoạn 1. Thời gian tới, huyện quy hoạch, kêu gọi đầu tư sản xuất ba khu công nghiệp và năm cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút lao động từ các địa phương khác; hoàn thành tám dự án khu dân cư mới tại địa bàn các xã Quang Phục, Nguyên Giáp, Hưng Đạo và thị trấn Tứ Kỳ. Đồng thời, huyện sẽ cùng với các ngành của tỉnh đầu tư mới và nâng cấp hạ tầng thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới 100% số xã, thị trấn trên địa bàn đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 vào năm 2025.
Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện 413,48 tỷ đồng, tăng 90,4% so với năm 2019. Để bảo đảm nhu cầu về đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện theo hồ sơ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và lập danh mục các công trình, dự án thu hồi đất và danh mục các công trình, dự án sử dụng đất trồng lúa. Công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính cho các xã đã được thực hiện. Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án được đôn đốc thường xuyên. Các ngành, các địa phương chủ động tu sửa bờ đê Bắc Hưng Hải, các công trình thủy lợi nội đồng, bơm tiêu nước, khơi thông dòng chảy, giải tỏa các vi phạm trên các trục kênh dẫn. Vấn đề khiến lãnh đạo huyện trăn trở là chưa có giải pháp cho việc xử lý rác thải, nước thải tại nông thôn một cách hợp lý và bền vững.
Để triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Thường trực Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo các đơn vị lượng hóa các chỉ tiêu thực hiện cho từng năm, từng quý, đề ra giải pháp cụ thể, rõ ràng, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, địa phương, chỉ rõ các đầu việc phải triển khai. Theo kế hoạch, sẽ hoàn thiện quy hoạch vùng huyện trong tháng 3-2021 và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trong tháng 4-2021. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện chỉ đạo xử lý nghiêm những sai phạm về tài nguyên, môi trường, vi phạm hành lang thủy lợi, giao thông, trật tự xây dựng từ cơ sở, xử lý các cán bộ, công chức không thực hiện hoặc thực hiện không tốt chức trách, nhiệm vụ.