Từ nghe tiếng Anh bập bõm, nam sinh bứt phá lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge10/12/2024 - 06:51:00 Những ngày đầu học tại ngôi trường mới, Đăng gặp khó khăn vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thể theo kịp các bài học trên lớp. Tự động viên và đặt ra mục tiêu để cố gắng, Đăng dần cải thiện thành tích, bứt phá và lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge.
Nguyễn Minh Đăng hiện là học sinh lớp 12, Trường Quốc tế Nhật Bản. Nam sinh bắt đầu theo học tại ngôi trường này từ năm lớp 6. Trước đó, Đăng là học sinh của Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội). Từ một ngôi trường công lập chuyển sang hệ quốc tế, khi ấy, Đăng nhút nhát, tiếng Anh cũng rất hạn chế. “Chứng kiến các bạn xung quanh có thể nói chuyện với thầy cô như người bản xứ, em bối rối vô cùng. Đôi khi trong lớp, em không hiểu thầy cô giảng gì nhưng cũng không thể giao tiếp để nhờ thầy cô giảng giải”, Đăng nhớ lại. Cũng từ lúc ấy, nam sinh hiểu rằng, để có thể theo kịp lớp học, bản thân phải cố gắng rất nhiều. Năm Đăng lên lớp 7 cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát. Có nhiều thời gian học ở nhà, nam sinh dành phần lớn thời gian để xem lại các bài học và cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Có sở thích chơi rubik nhanh, Đăng thường mở các video dạy cách tư duy và công thức giải rubik bằng tiếng Anh trên YouTube. Càng xem càng thấy hứng thú, sau một thời gian, Đăng dần nghe hiểu hơn và bắt đầu “bắt chước” cách nói chuyện trong những video ấy. Theo Đăng, “chìa khóa” của việc học tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào là cần tìm cách “sống trong ngôn ngữ” đó. Xem những nội dung, chủ đề yêu thích là cách hiệu quả để biến việc học trở nên thú vị. Ngoài ra, Đăng cũng bắt đầu nghiên cứu những phương pháp ôn tập hiệu quả như chủ động gợi nhớ kiến thức (active recall), lặp lại ngắt quãng (spaced repetition) hay thời khóa biểu ôn tập (retrospective). Nhờ vậy, nam sinh dần tìm ra niềm vui trong từng môn học để thúc đẩy bản thân cố gắng. “Với những môn nhiều lý thuyết, em coi việc thu thập kiến thức và ghi chép lại là cơ hội khám phá thế giới, còn với các môn thực hành hay sáng tạo, em coi đó là cơ hội để làm những điều mới, bước ra khỏi vùng an toàn”. Giảng bài cho các bạn cũng là cách giúp Đăng nắm vững kiến thức trên lớp. Đăng cho rằng, một người không nhất thiết phải là học sinh giỏi mới có thể hướng dẫn cho người khác. Đôi khi, việc giảng giải cho một ai đó cũng là cách để bản thân xử lý, củng cố kiến thức, giúp ghi nhớ và hiểu chắc chắn hơn. Vì thế, những lúc rảnh rỗi, Đăng còn quay video giải các bài toán khó đăng lên Youtube với hy vọng điều này sẽ có ích cho những ai vô tình xem được. Nhờ những nỗ lực ấy, năm 2023, trong kỳ thi IGCSE, Đăng đạt tới 6 điểm A* ở 5 môn học. Vừa qua, trong kỳ thi AS Level, Đăng tiếp tục giành 3 điểm A và được Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge trao giải thưởng dành cho thí sinh đạt thành tích vượt trội. Trong đó, nam sinh lọt “Top in World” ở môn Toán với điểm tuyệt đối 125/125 và lọt “Top in Vietnam” ở môn Khoa học máy tính. Dù có thế mạnh về môn toán, nam sinh cho hay vẫn “khá căng thẳng” khi gặp một số câu trong đề. Đề thi Toán AS Level gồm phần Toán thuần túy (10-12 câu hỏi tự luận với 1h50 phút làm bài, nội dung về đại số, lượng giác, giải tích...) và Xác suất thống kê (6-8 câu hỏi tự luận với 1h15 phút làm bài, nội dung về xác suất, phương pháp thống kê, phân phối…). Nam sinh đánh giá khó nhất là phần lượng giác, thường sẽ phải tìm x trong một phương trình phức tạp có sin/cos/tan. Ngoài ra, nam sinh cũng gặp khó với những bài về hình học, thường hỏi tính diện tích hay cạnh ẩn. Trong quá trình ôn tập, Đăng chủ yếu luyện đề thi từ các năm trước, sau đó tự chấm và ghi lại những lỗi sai. Ngoài ra, nam sinh cũng rèn cách trình bày bài làm chi tiết, giúp người chấm dễ hiểu cách làm bài của thí sinh. “Khi phân tích lỗi sai, em thường đặt câu hỏi như: “Mình đã làm sai như thế nào?”, “Mình không hiểu đề bài, không biết cách làm hay là lỗi tính toán?”, “Đây là dạng bài gì, mình có hay sai không?”. Nhờ vậy, em sẽ khắc phục lỗi sai khi gặp dạng câu hỏi tương tự”, Đăng nói. Sau khi đạt thành tích trong kỳ thi AS Level, Đăng tiếp tục tập trung học các môn A-Level và thi IELTS. Cùng với điểm SAT đạt 1540/1600 - thuộc top 1% cao nhất thế giới, nam sinh hy vọng có lợi thế nộp hồ sơ du học ngành Khoa học máy tính tại các trường ở Phần Lan. “Có một câu nói trong bộ phim Ultraman Cosmos (2001) em rất yêu thích: Điều kỳ diệu chỉ có thể xảy ra nếu bạn không ngừng theo đuổi ước mơ. Chúng ta luôn xuất phát ở một đâu đó và liệu có đi xa được không hoàn toàn phụ thuộc vào chính mình. Chỉ cần chúng ta luôn tích cực nỗ lực mỗi ngày, một ngày nào đó, điều kỳ diệu sẽ xảy ra”, Đăng chia sẻ. Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|