tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay

Chia sẻ: 

12/11/2024 - 14:41:00


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Di sản tư tưởng của Người rất phong phú, toàn diện, bao gồm các quan điểm từ cấu trúc, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị đến các thành tố cấu thành, đổi mới hệ thống chính trị.
Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1]. Người đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và đặc biệt quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những tư tưởng của Người về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng vẫn còn nguyên những giá trị mà chúng ta có thể soi chiếu và vận dụng vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951. (Ảnh: Tư liệu)

Nội dung xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trước hết, xây dựng Đảng để xứng đáng “Đảng là đạo đức, là văn minh”[2]

Đây là lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập Đảng (năm 1960). Xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh thuộc về những chế định nội tại trong sự phát triển của Đảng và là điều luôn thường trực, cần có và phải có. Đảng phải luôn luôn và xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

Đạo đức, văn minh - những giá trị cốt lõi của Đảng thể hiện ở những tiêu chí, khía cạnh sau:

- Phải xây dựng Đảng tiêu biểu cho lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc; lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm cốt. Coi chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho hành động của Đảng.

- Đảng luôn tuân thủ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều này không chỉ thể hiện trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng mà còn thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo thực hiện cương lĩnh, đường lối, chủ trương đó. Tất cả mọi hoạt động của Đảng đều vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các dân tộc trên thế giới vì sự tiến bộ, văn minh của nhân loại.

- Toàn Đảng phải trong sạch, phải chú trọng phòng, chống sự suy thoái, tiêu cực trong Đảng để Đảng luôn là nhân tố tích cực, đi tiên phong cho mọi sự phát triển bền vững của xã hội.

- Đảng không phải là tổ chức đứng trên dân tộc mà được sinh ra từ dân tộc Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra”[3]. Đảng là nhân tố thu hút và tập hợp lực lượng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Đảng phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ đức, đủ tài, những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống, từ những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, cho đến những đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo.

- Đảng phải có quan hệ quốc tế trong sáng, phải luôn luôn đảm bảo lợi ích cho dân tộc đồng thời cũng vì sự tiến bộ của nhân loại, vì độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác; vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của các dân tộc trên thế giới.

Thứ hai, xây dựng Đảng về chính trị

Trên cơ sở nắm bắt một cách chính xác tình hình của Đảng, đề ra đường lối, chủ trương, quyết sách phù hợp với điều kiện cụ thể với từng giai đoạn, từng thời kỳ. Yêu cầu đầu tiên đối với việc nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng là Đảng phải đề ra đường lối, chủ trương, quyết sách đúng đắn, hoàn toàn có khả năng thực thi. Mọi hoạt động của Đảng đều phải được diễn ra trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Năng lực cầm quyền của Đảng là tổng hòa trình độ, khả năng, bản lĩnh chính trị để giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ do tình hình đất nước đặt ra nhằm đạt mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Muốn đề ra đường lối, chủ trương, quyết sách phù hợp, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, phải dựa trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin và Đảng phải nắm chắc tình hình mọi mặt trong nước và quốc tế, tránh tư tưởng bảo thủ, trì trệ hay hấp tấp, vội vàng trong xây dựng đường lối, chủ trương. Đồng thời, cần lắng nghe, tổng hợp ý kiến từ cơ sở của nhân dân để xét xem đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng có đúng không, chỗ nào đúng, chỗ nào cần chỉnh sửa, bổ sung.

Thứ ba, xây dựng Đảng về tư tưởng

Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin vì “chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng viên đều phải nghiên cứu”[4]. “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”[5].

Nhiệm vụ xây dựng Đảng về tư tưởng đòi hỏi lý luận phải gắn với thực tế. Người viết: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[6]. Hồ Chí Minh phê bình sự chủ quan, kém lý luận: “có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[7], “Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”[8].

Thứ tư, xây dựng Đảng về tổ chức

Trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ đảng viên, công tác cán bộ. Trong xây dựng đội ngũ đảng viên, Người chú trọng vấn đề đạo đức cách mạng.

Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm quan trọng của đạo đức cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”[9]. “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[10].

Trung với nước, Hiếu với dân được Hồ Chí Minh coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của đạo đức cách mạng và là một yếu tố cơ bản của nhân cách người cán bộ, đảng viên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải đặt quyền lợi của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ phải gần dân, hiểu dân, vì dân. Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của nhân dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải có một đời tư trong sáng, nêu một tấm gương tốt cho nhân dân.

Đạo đức cách mạng của đảng viên còn biểu hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Rèn luyện đức tính này, người đảng viên phải luôn có ý thức và hành động chăm lo đến lợi ích của Đảng, của Tổ quốc; phải “dĩ công vi thượng”; phải coi chức vụ, quyền hạn của mình trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đoàn thể là do dân trao cho và phải luôn phục vụ nhân dân.

Thứ năm, về phương thức lãnh đạo của Đảng

Hồ Chí Minh rất coi trọng quan hệ giữa Đảng và Nhà nước vì Đảng cầm quyền, trước hết là Đảng lãnh đạo Nhà nước. Để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phải tăng cường lãnh đạo xây dựng Nhà nước để Nhà nước thể hiện tính chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bên cạnh đó, còn phải đề cập đến mối quan hệ giữa Đảng với các đoàn thể quần chúng nhân dân. Trong mối quan hệ đó, Đảng phải khẳng định được phẩm chất và năng lực lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể quần chúng nhân dân.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Trong suốt hơn 35 năm đổi mới, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận:

Trong xây dựng Đảng về chính trị

Từ sau năm 1986 đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, làm rõ nhiều vấn đề trong đường lối đổi mới. Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) được xem là bước phát triển mạnh mẽ trong xây dựng Đảng về chính trị, đi đến quyết định đường lối đổi mới, mở ra một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đổi mới không phải xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà phải nhận thức và vận dụng hiệu quả hơn, sáng tạo hơn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới có nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Trong xây dựng Đảng về tư tưởng

Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện qua các kỳ đại hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đánh giá: “Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường, đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội”[11]. “Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng có nhiều đổi mới”[12].

Trong quá trình đổi mới, Đảng coi trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng bao gồm công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tư tưởng, trình độ lý luận trong Đảng và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua hơn 35 năm đổi mới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được chỉ đạo tập trung và có chuyển biến tích cực. Đảng luôn đề cao đến việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trong xây dựng Đảng về đạo đức

Xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới, điểm nhấn quan trọng được Đại hội XII bổ sung và khẳng định, đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đến Đại hội XIII, Đảng cũng nhấn mạnh: Xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những trụ cột của công tác xây dựng Đảng nói chung, có mối liên hệ biện chứng với các nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong tiến trình đổi mới góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết trong Đảng, trực tiếp xây dựng sức mạnh nội sinh của Việt Nam.

Trong xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ

Việc tập trung kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có sự chuyển biến tích cực, rõ nét: Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm hơn và có sự chuyển biến tích cực, mối quan hệ giữa tổ chức đảng ở cấp cơ sở và cấp trên ngày càng được thể hiện rõ nét; công tác cán bộ ngày càng đồng bộ… Đảng không ngừng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về số lượng và chất lượng.

Công tác cán bộ có những đổi mới rõ rệt, từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, lựa chọn đến chính sách cán bộ. Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội XIII của Đảng đã ghi nhận những kết quả đạt được của công tác cán bộ được thực hiện bài bản, dân chủ, công khai, minh bạch trong lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cấp, bảo đảm đã lựa chọn các đồng chí xứng đáng; kiên quyết không để lọt vào những người có dấu hiệu, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, bè phái.

Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng, cụm từ “phương thức lãnh đạo của Đảng” được sử dụng trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (tháng 3/1989). Trải qua các kỳ đại hội, đến Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp được phát huy. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt, đồng thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là yếu tố quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh trở về cõi vĩnh hằng nhưng những tư tưởng của Người vẫn còn sống mãi với non sông. Tư tưởng của Người về xây dựng Đảng cầm quyền có ý nghĩa rất to lớn đối với công cuộc đổi mới hiện nay, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cho toàn Đảng phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cũng như để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của Bác Hồ: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[13]. Đó cũng là khát vọng non sông, khát vọng về một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để biến khát vọng đó thành sự thật, mỗi con người Việt Nam với lòng yêu nước và tự hào dân tộc, cần có ý thức xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thực sự là người đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Theo Tạp chí Mặt trận
Ý kiến bạn đọc
captcha
Tin cùng chuyên mục
công ty cổ phần phát triển đô thị Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 05/12/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV