Do vậy, rất cần có sự quan tâm đến việc tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) đến nhóm người này.

Vay tín dụng đen thường là những người rất cần tiền và số tiền vay không lớn. Nếu vay ở các TCTD chính thống, họ sẽ mất nhiều thời gian hoàn tất thủ tục để được giải ngân hoặc thậm chí không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn. Ngoài hình thức tín dụng đen cho vay trực tiếp, hiện người vay và người cho vay không cần gặp nhau mà chỉ cần trao đổi qua hình thức gián tiếp như vay qua app (ứng dụng). Đối tượng cho vay xác định mức lãi suất không vượt qua luật nhưng chiêu trò sau đó lại đưa ra nhiều loại phí phải đóng khác nhau như phí duy trì app, phí tư vấn... và tổng số lãi suất sau khi cộng dồn có thể lên tới 3%/tháng. 

Từng bước đẩy lùi tín dụng đen
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cung cấp nhiều hình thức tín dụng phù hợp cho người dân. Ảnh: VĂN NGUYÊN  

Hiện nay, các đường dây tín dụng đen vẫn lách luật hoạt động, chúng giống như những chiếc “vòi bạch tuộc” len lỏi từ thành thị đến nông thôn và được coi là vấn nạn nhức nhối trong nền kinh tế. Hoạt động này gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó đáng chú ý là hoạt động thu hồi nợ gắn với nhóm tội phạm này là hàng loạt thủ đoạn khiếp sợ, hành vi "khủng bố" như: Bắt giữ người, cố ý gây thương tích, liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa người thân và cả nơi làm việc của những người đi vay để gây áp lực, dồn đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh cùng quẫn khi trót vướng vào vòng xoáy của tín dụng đen. 

Thời gian qua, rất nhiều công nhân tại các khu công nghiệp-chế xuất Hà Nội sa vào bẫy tín dụng đen và phải chịu cảnh lãi suất cao, cùng những hành vi đòi nợ, đe dọa người vay và người thân của họ. “Sau dịch Covid-19, cuộc sống gia đình tôi khó khăn hơn, mẹ ốm phải điều trị trong bệnh viện. Lương thưởng công nhân bị cắt giảm, tôi xem quảng cáo ở các tờ rơi và đành vay tín dụng đen 30 triệu đồng với lãi suất 1 triệu đồng/tháng. Chỉ chậm lãi mấy ngày, tôi liên tục bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện đe dọa đến. Tôi phải vay mượn người thân, bạn bè để trả nợ sớm cho an toàn”, anh Nguyễn Huy Hưng, ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ. 

Để góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã ký kết hợp tác với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) nhằm tăng cường phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động trong các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân. Theo đó, các cấp công đoàn chủ động phối hợp triển khai, hỗ trợ để công nhân lao động được tiếp cận dịch vụ vay vốn phù hợp. Thời gian tới, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội sẽ phát triển, nâng cấp các quỹ hỗ trợ vốn cho người lao động để huy động nguồn vốn từ ngân hàng, các tổ chức nhằm giúp người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn.

Tín dụng đen bùng phát chủ yếu là do nhu cầu vay vốn cấp bách của người dân. Vì vậy, để xóa bỏ triệt để tình trạng này thì giải pháp gốc rễ là các TCTD phải đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân có thu nhập thấp, trung bình. Bên cạnh đó, người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, tìm hiểu kỹ cũng như sử dụng hình thức tín dụng chính thống do các ngân hàng cung cấp để bảo đảm an toàn.

HỒNG ANH