Với 97 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, công lao và dấu ấn lớn nhất của ông là những năm tháng gắn bó với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Ông là người giữ cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn dài nhất, trong thời kỳ ác liệt nhất và mang tính quyết định nhất. Gần 10 năm làm tư lệnh là quãng thời gian thể hiện đậm nét bản lĩnh, trí tuệ và tài thao lược quân sự xuất sắc của ông.
“Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”
Năm 1967, ông Đồng Sỹ Nguyên giữ cương vị Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Lúc này, phương thức vận chuyển trên tuyến đường Trường Sơn vẫn chủ yếu là gùi thồ, đơn lẻ, không đưa được vũ khí, phương tiện hạng nặng và số lượng lớn theo yêu cầu của chiến trường. Bài toán đặt ra là phải gấp rút, tăng tốc chi viện nhanh nhất, nhiều nhất cho miền Nam. Vì thế, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã mạnh dạn đề xuất phương án mới, chuyển sang vận tải cơ giới, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến.
Theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã coi đường Trường Sơn là một mặt trận, là nơi tiến hành tổng hòa các hoạt động của chiến tranh, đặc biệt là hoạt động đối đầu, đánh trả với sự tàn phá của đế quốc Mỹ.
“Ông là một người chỉ huy chiến trường, một vị tư lệnh rất sâu sát với thực tế, với cơ sở. Chính vì lẽ đấy, ông đưa ra một tổng kết rất hay. Đó là, đây không phải là tuyến vận tải quân sự thuần túy như nhiều tuyến vận tải quân sự khác diễn ra trong lịch sử thế giới. Mà phải coi tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ là một mặt trận. Tôi cho đó là một phát hiện rất sớm, một đúc kết rất sớm của Tư lệnh Đoàn 559. Từ đúc kết đó, mọi hoạt động chỉ đạo diễn ra trên tuyến đường Trường Sơn đều theo hướng đây là một mặt trận. Mà đã là mặt trận thì phải huy động được sức mạnh của các lực lượng. Đã là mặt trận thì phải có hai điều: Không chỉ có vận chuyển mà còn có phòng tránh, đánh trả”, Đại tá Trần Ngọc Long phân tích.
Quan điểm coi Trường Sơn là một chiến trường đã làm thay đổi trong tư duy, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Từ những hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, thô sơ, chúng ta đã đầu tư, trang bị cho Trường Sơn những lực lượng, binh khí kỹ thuật hùng mạnh để chủ động đánh địch, chủ động vận chuyển. Lúc đó, Bộ đội Trường Sơn được tổ chức thành 13 binh trạm, mỗi binh trạm phụ trách từ 100 - 130km đường. Cùng với đó là 5 sư đoàn vận tải, 3 trung đoàn đường ống, 4 trung đoàn kho.
Đến giữa năm 1974, lực lượng bộ đội Trường Sơn có tất cả 8 sư đoàn binh chủng, 20 trung đoàn và tương đương trực thuộc, với hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm cho chúng ta vừa chiến đấu, vừa tổ chức vận chuyển theo yêu cầu của chiến trường.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị nhớ lại: “Từ quan điểm Trường Sơn là một chiến trường, chúng ta đã chuyển đổi từ phòng tránh một cách thụ động sang chủ động tiến công địch. Và đồng thời, với quan điểm Trường Sơn là một chiến trường, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng, cả bộ binh, phòng không, công binh, thông tin vận tải chiến lược và lực lượng dân quân, có những lúc lực lượng ở Trường Sơn lên tới 12 vạn người. Và với quan điểm Trường Sơn là một chiến trường, chúng ta đã chuyển đổi cách đánh, theo hướng đánh hiệp đồng binh chủng”.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu, Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Huế cho rằng, kết quả đó chính là sự cụ thể hóa của quan điểm coi Trường Sơn là một chiến trường của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
“Ông Đồng Sỹ Nguyên cùng với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có những nghiên cứu, mày mò để tìm ra cơ chế hoạt động của các loại vũ khí của đối phương và vô hiệu hóa các phương tiện chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Cùng với đó, ông chỉ đạo cho các cấp trong đơn vị phải tiến hành thực nghiệm trên chiến trường bằng cách tổ chức các chuyến đi thực tế, tìm ra các thủ đoạn của đối phương cũng như trực tiếp tìm hiểu vũ khí mà đối phương sử dụng để tìm cách khắc chế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu chia sẻ.
Chiến sĩ Trường Sơn coi ông là thần tượng
Với những sáng kiến của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, đường Trường Sơn không còn là những con đường mòn, đơn lẻ mà phát triển thành hệ thống giao thông vận tải lớn như một trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Đường Trường Sơn phát triển thành 6 trục dọc theo sườn Đông và sườn Tây, 21 đường trục ngang vắt qua núi với tổng chiều dài lên tới 17.000 km. Tuyến đường huyền thoại này đã hoàn chỉnh và hiện đại đến mức đế quốc Mỹ dù đã triển khai kế hoạch ngăn chặn bằng chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học nhưng vẫn thất bại.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn, nguyên Chính ủy Trung đoàn Vận tải 515, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhớ lại một kỷ niệm mà ông được dự hội nghị, nghe Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn lật cánh sang phía Tây, đi qua nước bạn Lào.
"Lúc bấy giờ có hội nghị, ông nói với chúng tôi là ngày này sang năm chúng ta phải ngụy trang toàn tuyến, tức là hàng trăm, hàng nghìn cây số. Lúc đó cán bộ trung đoàn chúng tôi không biết làm thế nào để ngụy trang toàn tuyến. Sau đó mới biết là ông đã cho mở đường vòng, đường tránh. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng có tầm tư duy chiến lược, tư tưởng tiến công và cũng rất là táo bạo. Ông cũng là người rất gắn bó với anh em cán bộ, chiến sĩ. Nên chiến sĩ Trường Sơn chúng tôi lúc nào cũng coi ông là cây cao bóng cả, mà tuổi trẻ chúng tôi gọi là thần tượng. Mà thực tế ông là thần tượng của chúng tôi cho đến bây giờ", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn bày tỏ.
Trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, mặc dù phải đối mặt với 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ, nhưng bộ đội Trường Sơn dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã bảo đảm vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực, bảo đảm cơ động cho 10 lượt sư đoàn, hộ tống hơn 90 đơn vị kỹ thuật vào chiến trường.
Tuyến đường Trường Sơn huyền thoại với những công lao và dấu ấn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đóng góp xứng đáng cho chúng ta đi tới ngày 30/4/1975 toàn thắng, Bắc - Nam sum họp, nước nhà thống nhất./.