Tuyển sinh 2022: Đổi mới nhưng không thể "sốc"08/10/2021 - 09:03:00 Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học (ĐH) năm học 2021-2022.
Liên kết tổ chức thi đánh giá năng năng lực Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học này của giáo dục ĐH là tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập. Yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra cho các cơ sở đào tạo là tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng. Đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mong muốn các trường hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung của bộ là đúng nhưng có lẽ chỉ thực hiện được trong tương lai, khi đã có đủ thời gian chuẩn bị, chứ không thể thực hiện được ngay trong năm 2022. "Thời điểm này, mọi phương án tuyển sinh đều phải bảo đảm quyền lợi thí sinh, không thể tách rời được. Thí sinh thuận lợi thì các trường mới thuận lợi" - PGS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh. Chuyên gia này cũng nói thêm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại các địa phương rất khó khăn, phải có sự chuẩn bị cả về kỹ thuật, tài chính, nếu tổ chức không khéo sẽ bị... lỗ, mà lỗ thì không còn ai dám làm. Chính vì thế, trong mùa tuyển sinh tới, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục phương thức tuyển sinh như năm 2021, tức là cả tuyển thẳng, cả tổ chức thi đánh giá năng lực, đồng thời dành chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận định những năm tới, chắc chắn các trường sẽ ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn. Tuy nhiên, việc có giảm chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hay không vẫn là điều cần phải tính toán. "Mọi sự thay đổi phải có lộ trình, không gây sốc cho thí sinh và xã hội. Chúng tôi sẽ đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp để bảo đảm hài hòa xu hướng này" - ông Triệu nêu ý kiến. Thí sinh TP HCM dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU) Cần kỳ thi tốt nghiệp THPT tin cậy TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng - ĐHQG TP HCM, cho rằng thực hiện tự chủ ĐH, các trường biết phải sử dụng phương thức tuyển sinh nào phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng hơn nhiều so với kỳ thi đánh giá năng lực do các ĐHQG tổ chức vì đây là kỳ thi chung cho tất cả thí sinh. Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là để xét tốt nghiệp mà còn qua đó để đánh giá việc dạy và học ở trường phổ thông; kỳ thi này có thể không đánh giá được yêu cầu chuyên biệt nhưng đánh giá được chuẩn đầu ra. Kỳ thi đánh giá do các ĐHQG, các trường tổ chức chỉ là sự bổ sung cho những ngành chuyên biệt nên hiện nay 70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào ĐH theo phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Chính cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ cần công bố là các trường có quyền tự chủ và kỳ thi tốt nghiệp THPT là thước đo tốt thì các trường ĐH có thể tin dùng... Khi đó các trường tự hiểu rõ ngành nào cần thước đo chuyên biệt. PGS-TS Phạm Hiếu Liêm, Phó trưởng Phòng Điều hành Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT có những ưu điểm riêng biệt nên được nhiều trường ĐH sử dụng để xét tuyển. Trước tiên, đây là kỳ thi chung (chung đề, chung đợt) cho tất cả thí sinh nên đây là thước đo chung. Tiếp theo, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không ai có thể can thiệp được nên tránh được những tiêu cực. "Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được duy trì tổ chức tốt, đề thi phân loại tốt hơn để các trường ĐH có thể sử dụng" - ông Liêm đề nghị. Đa dạng hóa, tăng sự lựa chọn PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), cho rằng các trường ĐH cần đa dạng các phương thức xét tuyển. Thể hiện rõ nhất là trong các năm qua, ĐHQG TP HCM nói chung và Trường ĐH Bách khoa nói riêng đã có các phương thức tuyển sinh khác để gia tăng lựa chọn cho thí sinh. Việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh sẽ tuyển chọn được đa dạng người học, giúp trường chọn đúng người để đào tạo; đào tạo người để làm đúng việc. PGS-TS Bùi Đức Triệu cũng cho rằng việc đa đạng hóa phương thức tuyển sinh hoàn toàn phù hợp với xu hướng tuyển sinh trong vài năm trở lại đây của các trường. Trên thực tế, những năm qua các trường tốp đầu sử dụng nhiều phương thức tuyển để lựa chọn những thí sinh phù hợp nhất. Theo NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|