Tuyển sinh đại học 2021: Dự báo điểm chuẩn tăng27/07/2021 - 09:14:00 Bộ GDĐT đã chính thức công bố điểm, phổ điểm các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Với phổ điểm thi đều lệch phải ở tất cả các khối thi, các chuyên gia về tuyển sinh dự báo, điểm chuẩn đại học năm nay dự kiến sẽ tăng, đặc biệt ở các trường top giữa. Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của 9 môn cho thấy: Môn GDCD có điểm trung bình cao nhất (8,37); tiếp đến là môn Địa (6,96), Hóa (6,63), Toán (6,61), Lý (6,56), Văn (6,47), Tiếng Anh (5,84), Sinh (5,51) và Lịch sử (4,97).
Môn Lịch sử có nhiều “điểm liệt” nhất Năm nay cả nước có 24.318 điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT đợt 1, gấp 4,1 lần năm 2020; gấp 19,1 lần năm 2019. Trong đó, GDCD tiếp tục là môn thi có số lượng thí sinh được điểm 10 nhiều nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1), với hơn 18.680 bài thi đạt điểm 10, gấp 4,48 lần so với năm 2020. Tiếp đến là môn Tiếng Anh có hơn 4.345 bài thi điểm 10 - gấp khoảng 19,3 lần so với năm ngoái. Đây là môn thi có số điểm 10 cao vọt so với các năm trước. Môn Sinh học, với 582 bài thi điểm 10; môn Địa lý có 227 bài thi, môn Hóa có 149 bài thi, môn Toán có 52 bài thi, môn Vật lý có 14 bài thi, môn Lịch sử có 266 bài thi, môn Ngữ văn có 3 bài thi. Về điểm liệt, qua thống kê, cả nước có 1.280 bài thi bị điểm liệt (Ngoại ngữ chỉ tính riêng môn Tiếng Anh), cao hơn năm 2020 là 18 bài. Lịch sử là môn thi có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất: 540 bài thi. Xếp thứ hai là môn Văn với 172 bài thi. Tiếp đến môn Tiếng Anh với 144 bài thi, có giảm so với năm 2020. Môn Toán xếp thứ tư với 119 bài thi. Đánh giá chung, điểm thi các môn trong kỳ thi năm nay đều nhỉnh hơn so với năm 2020. Nguyên nhân một phần là do đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được ra theo hướng nhẹ nhàng, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và điều kiện học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh. “Kỳ lạ” điểm tiếng Anh Con số 4.345 bài thi môn Tiếng Anh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi vừa qua không làm các thầy cô ngạc nhiên bởi ngay từ khi thi xong, nhiều giáo viên có chung nhận xét là đề có khoảng 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu. Trong khi những môn thi khác, phổ điểm đều theo dạng hình “quả chuông” để thể hiện sự phân loại rõ ràng các nhóm trình độ: rất kém - kém - trung bình - khá - giỏi - rất giỏi thì phổ điểm của môn Tiếng Anh khác hẳn. Cụ thể, phổ điểm môn này có 2 “đỉnh” ở khoảng 4 điểm và đỉnh ở khoảng 9 điểm phản ánh năng lực ngoại ngữ không đồng đều của học sinh. GS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng phổ điểm Tiếng Anh năm nay đã có sự điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Đỉnh bên trái của phổ (khoảng 4-5 điểm) cao hơn đỉnh của năm 2020 (3-3.8 điểm). Điều này cho thấy tuyệt đại đa số thí sinh đã có kết quả học tập môn Tiếng Anh tiến bộ hơn. Còn đỉnh bên phải của phổ điểm (khoảng 7-8 điểm) là minh chứng cho phong trào học Tiếng Anh những năm gần đây đã có tác dụng. Mặt khác, nó cũng cho thấy độ khó của đề thi không cao, khó phân hóa học sinh giỏi. TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) đề nghị Bộ GDĐT cần phân tích cụ thể các nguyên nhân tạo nên 2 đỉnh của phổ điểm môn Tiếng Anh. Theo đó, cần phân loại cụ thể địa phương, vùng miền nào có phổ điểm lệch trái, nơi nào với điều kiện ra sao thì phổ điểm lệch phải. Những phân tích ấy sẽ có tác dụng giúp Bộ GDĐT, đặc biệt là các Sở GDĐT điều chỉnh công tác chỉ đạo và triển khai dạy học để chất lượng giáo dục được nâng lên. Điểm chuẩn tăng, thí sinh cẩn trọng Cùng với điểm thi, phổ điểm thi từng môn, việc công bố kết quả phổ điểm thi THPT năm 2021 của các khối thi là những dữ liệu quan trọng để thí sinh quyết định điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2021. GS.TS Nguyễn Đình Đức cho rằng phổ điểm năm nay có sự phân hóa, rất thuận lợi cho việc tuyển sinh. Đặc biệt, phần điểm cao tương đối chụm bên phải nên các trường tốp trên có thể tuyển được thí sinh có chất lượng tốt. Ông dự đoán điểm chuẩn khối A00, A01, D01 năm nay sẽ cao hơn so với năm trước từ 0,5 - 3 điểm. Còn các ngành khối B00 năm ngoái lấy 21-23 điểm có thể sẽ tăng nhẹ khoảng 1 điểm. Nếu trong khoảng 23-24 điểm thì tăng 0,5 điểm. Ở Khối A00, các ngành năm ngoái lấy điểm chuẩn 22-24 điểm thì sẽ tăng khá mạnh, thậm chí cá biệt có thể tới 2-3 điểm. Trong khi đó, cô Bùi Nguyễn Hương Giang - giáo viên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, với điểm thi Tiếng Anh như năm nay, cánh cửa thi khối D của các thí sinh trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với học sinh khá, giỏi. Bởi nhiều trường đã dành chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác trong khi điểm thi tốt nghiệp không phân hóa rõ ràng khiến các trường sẽ khó chọn thí sinh. Dự đoán, điểm chuẩn sẽ tăng khoảng 1,5 với khối D và từ 0,5-1 với khối A1. Ngoài ra, các chuyên gia đều nhận định tỷ lệ thí sinh được nhận vào trường tốp trên sẽ giảm nhiều so với các năm trước. Lý do nhiều trường đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn khoảng từ 30% - 50%, các chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác (như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) tăng lên. Nhiều người cho rằng điểm chuẩn sẽ tăng lên với những trường tốp trên, từ 24 điểm trở lên mới trúng tuyển những trường này. Còn những trường tốp giữa, điểm chuẩn sẽ ở mức 20-22 điểm. Các trường có thể phải sử dụng thêm tiêu chí phụ như nhân hệ số, điểm Toán... để chọn giữa các thí sinh điểm cao. Trên thực tế, nhiều thí sinh có điểm thi cao khác cũng đồng thời đã đỗ vào nhiều trường ĐH khác bằng hình thức xét học bạ hoặc xét tuyển kết hợp chứng chỉ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tổ chức. Tuy vậy, cuộc cạnh tranh giành một suất vào các trường ĐH dự kiến vẫn không kém phần căng thẳng. Hiện thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng tối đa 3 lần để tăng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng mình yêu thích nhất. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|