Theo VCCI, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng giảm 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít…
|
Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ góp phần giảm giá bán xăng dầu. (Ảnh minh họa) |
Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thuế bảo vệ môi trường với xăng về mức 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2.000 đồng/lít; dầu hỏa 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 2.000 đồng/kg).
Bộ Tài chính dự kiến, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương năm 2023, nếu đề xuất được thông qua, số thu thuế từ xăng dầu sẽ giảm khoảng 39.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu năm 2024 là cần thiết. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm giá xăng dầu. Hiện nay, các loại thuế chiếm khoảng 38% giá bán xăng dầu. Việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp giá xăng dầu hạ nhiệt.
“Việc giảm thuế góp phần giảm giá xăng dầu, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đề xuất này cũng được xem là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, là chính sách khoan sức dân, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hồi phục”, ông Long nói.