Vải thiều Việt Nam được người tiêu dùng nhiều nước yêu thích |
Chiều 31-5, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5-2023”, chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”.
Ông Đỗ Ngọc Hưng- Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho biết, vải thiều Lục Ngạn là 1 trong 7 loại hoa quả tươi được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, người tiêu dùng rất đón nhận. Nhu cầu nhập khẩu vải thiều của Hoa Kỳ cũng đang tăng. Hoa Kỳ nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan.
Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại. Cụ thể: khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi đó các loại trái cây dễ hỏng, hao hụt trong quá trình vận chuyển. Vận chuyển bằng hàng không thì giá cước quá cao, gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.
Năm 2021 dù đã có đường bay thẳng tới Mỹ và bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Giang và hãng hàng không về chính sách ưu đãi giá cước nhưng thực tế chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao.
Hai là chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc. Để xuất khẩu đi Mỹ phải vận chuyển trái cây vào TP HCM chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển và hao hụt về số lượng, chất lượng của vải xuất khẩu.
Bên cạnh đó, quá trình từ thu hoạch, vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng tại Mỹ còn dài, quá trình đóng gói, bảo quản chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn dẫn đến quả vải dễ bị hỏng, biến màu khi lên đến kệ siêu thị.
“Vụ thu hoạch vải rất ngắn, chỉ tập trung trong vòng 1 tháng đến 45 ngày, trái vải chín nhanh thường chỉ bảo quản được từ 3-5 ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng. Bên cạnh đó, thời gian quả vải từ khi thu hoạch qua các khâu cho đến khi tới tay người tiêu dùng tại Mỹ mất từ 30-35 ngày. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp”- ông Đỗ Ngọc Hưng nói.
Vì vậy theo ông Đỗ Ngọc Hưng, cần thiết phải giảm chi phí vận chuyển để tăng sức cạnh tranh cho quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
Tương tự, đại diện thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho hay, vải thiều và nhãn Việt Nam có thời gian thu hoạch tương đồng với Thái Lan, nhưng bảo quản chưa tốt nên vỏ dễ thâm, chi phí vận chuyển lại cao, nhận diện thương hiệu chưa mạnh…
“Mức giá bán vải thiều Việt Nam tại Thái Lan là gần 10 USD/kg, phần lớn là do chi phí trung gian và vận chuyển cao nên bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, mẫu mã, cần hạ chi phí để tăng sức cạnh tranh”- đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan nói.
Thông tin tới các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ông Trần Quang Tấn- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh năm nay đạt trên 180.000 tấn. Trên toàn tỉnh đã có hàng chục mã vùng trồng của doanh nghiệp nước ngoài. Vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Tỉnh Bắc Giang đã chủ động cùng doanh nghiệp đàm phán với khách hàng tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, ùn tắc nông sản đang diễn ra tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Với thị trường Hoa Kỳ, việc chiếu xạ cho sản phẩm còn nhiều khó khăn để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.
“Xuất khẩu vải thiều vẫn chủ yếu là vải tươi, vải thiều đã chế biến nhưng còn giữ nguyên hương vị chưa xuất khẩu được nhiều”- ông Trần Quang Tấn nói.
Tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Công Thương, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đàm phán với các cơ quan chức năng, địa phương của các nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các TMĐT trong và ngoài nước; hỗ trợ giúp tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng ở thị trường trong nước và quốc tế;
Xúc tiến tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều vào thị trường các nước, đặc biệt là thị trường truyền thống (Trung Quốc) và các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Úc, UAE, Hồng Kông (Trung Quốc)...; hỗ trợ thông tin về tình hình thị trường, chính sách nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, vệ sinh thực phẩm… tại thị trường các nước đối với vải thiều, các sản phẩm chế biến từ vải (vải thiều đóng hộp, vải thiều sấy…).
Khẳng định chất lượng vải thiều Hải Dương đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Trần Văn Hảo- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng cho hay, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu vải thiều và nhãn, còn nhiều dư địa nhưng việc ùn tắc hàng hóa tại biên giới ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường này. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 và Lệnh 249 với nông sản nhập khẩu cũng gây khó khăn với doanh nghiệp.
Nhận định thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực trong xuất khẩu vải thiều và nhãn, ông Đặng Phúc Nguyên- Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, thời gian vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là tháng 6- tháng 7. Lúc này việc thu hoạch vải thiều của Trung Quốc đã vào cuối vụ nên cơ hội cho hàng Việt rất cao.
Vì vậy, để tạo thuận lợi cho vải thiều và nhãn xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị nên ưu tiên luồng riêng cho xuất khẩu vải thiều, nhãn, vì loại quả này rất nhanh hư hỏng.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Quân- Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cũng cho hay, lượng xe hàng nông sản Việt Nam đưa lên biên giới cao, gây áp lực cửa khẩu, gần đây xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ khi năng lực thông quan của cửa khẩu đến giới hạn.
Ông Nguyễn Hữu Quân kiến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên để phân luồng hợp lý, nắm bắt quy định kiểm dịch với trái cây nhập khẩu từ các thị trường, đặc biệt với vải thiều và nhãn để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng trái cây cả nước trong quý II-2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch. Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trái vải của Việt Nam đạt 47,4 triệu USD, năm 2022 đạt 27,4 triệu USD (giảm 42,3%). Đối với trái nhãn, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 23,318 triệu USD, năm 2022 đạt 13,893 triệu USD (giảm tới 40,4%). Vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.