Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong quý I năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022) toàn quốc xảy ra hơn 2.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 1.670 người, bị thương 1.741 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm hơn 660 vụ, số người chết giảm 67 người, số người bị thương giảm 739 người.
Trong đó, đường bộ xảy ra 2.700 vụ, làm chết 1.630 người, bị thương hơn 1.730 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 655 vụ, giảm 80 người chết, giảm 739 người bị thương.
Đáng chú ý, có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 11 địa phương giảm trên 40% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 24 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 13 tỉnh tăng trên 15% là: Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Long An, Đăk Nông, Đà Nẵng, Hậu Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Điện Biên, trong đó, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 50% trở lên là: Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Điện Biên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Để giảm các tỷ lệ TNGT các địa phương phải giải pháp mạnh trong thời gian tới, đặc biệt xác định rõ nguyên nhân, giải pháp, không để TNGT diễn biến phức tạp".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, TNGT diễn biến phức tạp đặc biệt là TNGT đường thuỷ. Mặc dù trong năm chỉ xảy ra một vụ tai nạn nhưng đã để lại hậu quả nghiêm trọng, làm 17 người chết.
“Hiện nay các chuyến tàu ra đảo đang hoạt động ở nhiều tỉnh, nếu chúng ta để xảy ra một hai vụ tương tự thì hậu quả rất nghiêm trọng. Vừa qua chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ về chuyên môn, tuy nhiên muốn lắng nghe quan điểm của các địa phương để việc quản lý an toàn giao thông đường thủy thời gian tới tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu và đặt vấn đề trách nhiệm của các đơn vị khi để xảy ra tình trạng này.
Phó Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, đề xuất trong quý II/2022, Bộ GTVT cần triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất. Trong đó, tập trung kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa. Cùng với đó là phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng thực hiện công tác bảm đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vào mùa mưa lũ; bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với tình hình luồng tuyến nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông./.