Vấn nạn bạo lực học đường – Khi thời học sinh không còn là thời đẹp nhất21/04/2023 - 15:26:00 Vì sao thành tích cuối năm đa số học sinh hạnh kiểm tốt nhưng số vụ bạo lực học đường lại không giảm, thậm chí tăng mức độ nghiêm trọng?Trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau Cơ quan công an đã vào cuộc làm việc về một số nội dung liên quan đến sự việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên đại học Vinh, Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường. Sự việc sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Song một lần nữa vấn đề ứng phó với bạo lực học đường và khủng hoảng tâm lý vị thành niên tiếp tục nóng lên. Từ trước đến nay, vấn nạn bạo lực học đường luôn là vấn đề khiến ngành giáo dục đau đầu. Trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trên toàn quốc. 1.600-1.800 vụ bạo lực học đường xảy ra mỗi năm. Đây là số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây không lâu. Con số này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" do nhiều vụ việc không bị tố giác. Thời học sinh với nhiều em không còn là thời đẹp nhất. Hai em học sinh bị chửi bới, uy hiếp, dọa đánh, dọa dán cáo phó khắp khu phố bởi một nhóm do bạn cùng lớp lập ra. Bắt nạt trên mạng đang khiến cho bạo lực học đường ngày càng khó ngăn chặn, với nhiều hình thức khác nhau như chê bai, dọa nạt, sỉ nhục, nói xấu…Từng xảy ra những vụ việc thương tâm khi nạn nhân không chịu đựng nổi áp lực từ các hành vi bắt nạt này. Đặc biệt, là khi hành vi bắt nạt còn được ghi lại, và tung lên không gian mạng… Nhiều hành vi bắt nạt còn được ghi lại và tung lên không gian mạng Lạ lùng là theo báo cáo thành tích cuối năm học, gần như trường nào, lớp nào rất ít số học sinh hạnh kiểm khá, hạnh kiểm trung bình hay kém chỉ là hy hữu còn lại toàn hạnh kiểm tốt, xuất sắc, nhưng số vụ bạo lực học đường lại không giảm, thậm chí tăng mức độ nghiêm trọng. Các nước ngăn chặn nạn bạo lực học đường ra sao? Có nhiều vụ bạo lực học đường xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa 2 học sinh, nhưng lại bị đánh "hội đồng", có các đối tượng đứng ngoài đe dọa, hỗ trợ, ghi hình tung lên mạng. Đa số học sinh đều biết đánh nhau dù trong hay ngoài trường đều sai nhưng hầu như không em nào dám lên tiếng vì sợ liên lụy, sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo. Và thế là, chính người chứng kiến cũng bị ám ảnh, trở thành nạn nhân gián tiếp của bắt nạt học đường. Cách đây ít ngày, liên tiếp nhiều quốc gia vừa công bố những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng hiện nay. Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy dự luật mới nhằm ngăn chặn bạo lực học đường. Dự luật sẽ kéo dài thời gian lưu giữ hồ sơ bạo lực học đường trong hồ sơ của sinh viên, cho tới khi sinh viên này tìm được việc làm. Đồng thời xem xét những hồ sơ này trong quá trình xét tuyển đại học sớm và thông thường. Hàn Quốc sẽ kéo dài thời gian lưu giữ hồ sơ bạo lực học đường trong hồ sơ của sinh viên cho tới khi sinh viên này tìm được việc làm Trước đó, vào cuối năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự luật hạ thấp giới hạn độ tuổi từ 14 xuống 13 trong Đạo luật Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Vị thành niên. Tháng 9 năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát về bạo lực học đường với hơn 50 nghìn học sinh. Kết quả cho thấy 1,7% số người được hỏi cho biết từng bị bạo lực học đường. Trong số này, 40% cho biết từng bị bạo lực bằng lời nói, 14% bị bạo lực thể chất. Chính phủ Brazil sẽ giải ngân 150 triệu real (30 triệu USD) cải thiện các giải pháp an toàn và an ninh trong hệ thống trường học trên khắp cả nước. Brazil cũng sẽ tăng cường quản lý nội dung phát tán trên các nền tảng mạng xã hội liên quan đến hành vi kích động tấn công trong trường học hoặc cổ xúy các hành động bạo lực học đường. Các nền tảng mạng xã hội phải cam kết cung cấp cho cơ quan chức năng dữ liệu về những người dùng truyền bá bạo lực, đồng thời chặn các địa chỉ IP đăng nội dung liên quan đến bạo lực học đường. Trong trường hợp không tuân thủ, các nền tảng mạng xã hội sẽ bị phạt tới 12 triệu real (khoảng 2,4 triệu USD) và thậm chí bị đình chỉ hoạt động tại Brazil. Cảnh sát Brazil xác nhận một trong số các vụ tấn công bạo lực học đường gần đây có liên quan đến hành vi kích động trên nền tảng mạng xã hội. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh là rất quan trọng Năm 2004, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới, nhưng từ năm 2014 đến nay, tự tử đã là nguyên nhân thứ hai gây ra tình trạng trên, chỉ sau tai nạn giao thông. Học sinh thường ở lứa tuổi tâm sinh lý đang phát triển mạnh trong khi nhận thức các vấn đề trong cuộc sống còn thiếu hụt. Thời gian vừa qua, tại các trường THCS, THPT ở thành phố lớn được yêu cầu trang bị phòng tham vấn học đường. Đây là nơi giãi bày tâm tư, cảm xúc của các bạn học sinh, để tháo gỡ những khúc mắt, mâu thuẫn và làm giàu thêm về đời sống tâm lý, tình cảm. Thế nhưng các phòng hiện nay hầu như chỉ hoạt động cầm chừng, cho có. Giáo viên tư vấn đa số là kiêm nhiệm, người làm công tác tư vấn nhưng không tạo cho các em sự tin tưởng để bộc bạch. Theo 1 khảo sát thực hiện với hơn 2300 học sinh công bố trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tới 20% người học cảm thấy giáo viên đối xử không công bằng, hơn 10% người học cho rằng giáo viên chưa quan tâm và có sự giúp đỡ mà chỉ tập trung vào việc dạy; 2% học sinh đang được điều trị về tâm lý có ý nghĩ tự sát. Kết quả khảo sát thực hiện với hơn 2300 học sinh trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo Không ít trăn trở việc bắt nạt học đường có phải là mầm mống tạo nên những con người có tính cách hung dữ, bạo lực trong tương lai, gia tăng tỷ lệ tội phạm ở thanh thiếu niên hay không. Nếu coi vấn đề của trẻ là chuyện nhỏ, chuyện trẻ con và không cùng sẻ chia, tìm giải pháp thì ắt một ngày hệ quả đau lòng sẽ khó tránh khỏi. Trong tiến trình xây dựng trường học hạnh phúc, một trong những yếu tố rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, cho phụ huynh và các bên liên quan trong nhà trường. Nhưng để xây dựng trường học hạnh phúc, cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần và cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, cần sự đồng lòng của cả học sinh, phụ huynh, nhà trường và đi đầu là các nhà quản lý giáo dục. Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội Theo VTV
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|