Nếp xưa
Chúng tôi hòa vào dòng người đến dâng hương lên bàn thờ dòng họ Nguyễn Phú ở thôn Lại Đà - quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Biết chúng tôi ở báo Tiền Phong, ông Nguyễn Phú Việt, Trưởng tộc Nguyễn Phú dẫn chúng tôi vào thắp hương, vừa đi vừa nói: “Có nhiều người tò mò muốn đến đây để xem nhà thờ họ của Tổng Bí thư như thế nào, có hoành tráng hay không?”
Nhà thờ họ Nguyễn Phú |
Khu nhà thờ Nguyễn Phú đơn sơ, mộc mạc theo kiến trúc cổ truyền. Qua cổng, bước qua khoảng sân trước rộng rãi, lát gạch đỏ rồi đến nhà thờ. Nhà thờ có kiến trúc theo kiểu chữ nhị. Thượng điện gồm 3 gian nhà gỗ lợp ngói, chính giữa đặt ngai thờ cụ Thủy tổ. Cửa vào làm bằng gỗ đã phai sang màu nâu cũ, tường xây gạch, quét vôi đã ố màu theo năm tháng. Trên bức tường bên phải có treo hình Tổng Bí thư những lần về dự giỗ họ, tặng thưởng con cháu đạt thành tích cao trong học tập.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tổ tiên tại nhà thờ họ Nguyễn Phú |
Trước nhà thờ có đắp bức hoành, gồm 4 chữ đại tự “Phục Trù Thực Đức” bằng chữ Nho. Sau khi tham khảo nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm, sử học, họ đều thống nhất với lý giải của anh Trần Mạnh Cường (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, Sở Khoa học công nghệ Nghệ An). Theo đó, bức đại tự này gồm 2 vế là “Phục Trù” và “Thực Đức”. “Phục Trù” nghĩa là làm việc trên đồng ruộng; “Thực Đức” nghĩa là “giữ gìn công đức cũ”. Vì vậy, đại tự tại nhà thờ họ Nguyễn Phú có nghĩa là: “Chăm chỉ nơi ruộng đồng, hưởng phúc lành tiên tổ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các cụ cao niên trong họ |
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vẻ như ứng với đại tự này, bởi ông là người có chức vụ cao nhất ở nước ta nhưng vẫn giản dị khiêm nhường, cả cuộc đời chưa từng mang điều tiếng gì về vật chất. Đặc biệt là vợ, con đều chăm chỉ làm tốt công việc chuyên môn, chứ chẳng thấy làm “sân sau” hay tạo ra bất kỳ một việc nào gây hại cho đất nước”, anh Cường đánh giá.
Bước qua khoảng sân gạch đỏ có “Văn bia Nguyễn Phú Tộc” bằng đá, ghi lược sử dòng họ và nhà thờ. Theo đó, nhà thờ Nguyễn Phú khởi nghiệp lâu đời trên đất Lại Đà, cùng các họ Vương, Lương, Ngô, hợp thành Cối Giang Trang, thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Cụ Phúc Tiên được tôn làm Thủy Tổ của dòng họ Nguyễn Phú ở Lại Đà, giỗ ngày 14 tháng Chạp. Cụ sinh ra 3 chi, nay còn chi Ất (chi 2) và chi Bính (chi 3).
Trên văn bia còn ghi, dòng họ Nguyễn Phú ở Lại Đà có cụ Nguyễn Phú Văn nguyên quán xứ Kinh Bắc, tòng quân tại phủ Phụng Thiên - Thăng Long thời Hậu Lê. Năm Hồng Đức thứ nhất, cụ tham gia tiền vệ quân Nam tiến mở đường cho vua Lê Thánh Tông lập thừa tuyên Quảng Nam. Cụ được trấn nhiệm tại đây, khai sinh tộc Nguyễn Phú - Yến Nê, nay là xã Hòa Tiền, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Về nhà thờ họ Nguyễn Phú, văn bia ghi, nhà thờ được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 220m2, thế đất đẹp do tổ tiên truyền lại. Nhà thờ được xây dựng năm Ất Sửu, đời vua Tự Đức thứ 18 (1865). Mùa xuân năm Ất Dậu, đời vua Bảo Đại năm thứ 20 (1945), nhà thờ xuống cấp, được họ trùng tu lần thứ nhất. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thờ là cơ sở ưhoạt động của đội du kích, đánh giặc giữ làng.
Cụ Ngô Thị Viên, 90 tuổi ở làng Lại Đà xúc động khi kể về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Ông Nguyễn Phú Việt cho hay, Nguyễn Phú hiện là dòng họ lớn, có nhiều đinh nhất ở làng Lại Đà. Ông Việt rất vinh dự, tự hào khi dòng họ Nguyễn Phú đã sinh ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người con xuất sắc, cả cuộc đời cống hiến vì nước, vì dân. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà thờ họ Nguyễn Phú là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trải qua chiến tranh, nhà thờ xuống cấp và được tu bổ bằng sự đóng góp của dòng họ, lần gần nhất là vào năm 2002.
“Có lần, thấy nhà thờ đã cũ, có người đề xuất xây dựng nhà thờ khang trang hơn, nhưng chú Trọng nói rằng: “Nhà thờ mình vẫn còn tốt, chưa cần phải xây dựng lại”. Và sau đó, không ai trong họ nhắc đến việc này nữa”, ông Việt nói và cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Phú. Ông là con trai út trong một gia đình thuần nông; trên Tổng Bí thư có 4 chị gái, đến nay đều đã mất.
Gia phong khuôn phép
Chúng tôi đến thăm bà Ngô Thị Viên (90 tuổi) là dâu trong họ Nguyễn Phú, gần nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại làng Lại Đà. Nhắc đến Tổng Bí thư, bà Viên ngấn lệ vì nhớ em. “Gần một tháng trước, chú ấy có về thăm nhà nhưng được một lúc thì chú ấy đi. Không ngờ đấy là lần cuối chú ấy về quê”, bà Viên buồn rầu.
“Mỗi lần về thăm quê, về với họ mạc, chú Trọng động viên anh em trong họ luôn luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Mọi người làm việc gì thì làm, phải đúng pháp luật. Mỗi lần họp họ, lễ tổ, con cháu trao đổi, tiếp thu những lời căn dặn, mong muốn của chú, để phát huy truyền thống dòng họ, noi gương chú để đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Vì thế, khi làm đến chức Tổng Bí thư, con cháu trong dòng họ, không ai mượn tiếng để thăng tiến hay làm ăn, cũng không nhờ xin việc mà đều tự thân vận động. Đó là cách con cháu giữ gìn cho chú Trọng và không làm phiền chú, để chú tập trung lo cho dân, cho nước” Bà Ngô Thị Viên
Bà Viên nhớ lại, gia đình cụ Nguyễn Phú Nội (thân sinh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) cũng giống như các gia đình khác trong làng, làm nông nên rất nghèo. Nhà tranh, vách đất, lụp xụp, ăn không đủ, mặc thì thiếu. Có thời gian, theo nghề của làng Lại Đà, ông bà Nội có làm thêm nghề nổ bỏng để bán nhưng sau đó cả làng đều bỏ nghề này. Theo lời kể của bà Viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con út trong gia đình, là người duy nhất được đi học từ bé. Cuộc sống gia đình ông bà Nội tuy nghèo, vất vả nhưng nề nếp, khuôn phép.
“Ông bà rất nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái, không ai học được. Tôi nhớ, lúc còn bé, có lần chú Trọng đùa nghịch bị bà phạt trải chiếu ra nhà nằm sấp xuống để đánh roi. Nhưng bà không phạt ngay mà để chú ấy nằm sấp để chờ phạt. Công việc đồng áng nên đến trưa bà mới nhớ. Bà về thấy con vẫn nằm chờ phạt nên không đánh nữa và nói cho chịu đến lần sau phạt gấp đôi”, bà Viên kể và cho biết, Tổng Bí thư kiên trì, khuôn phép từ bé cho đến lớn, rồi làm chức vụ cao. Theo bà Viên, vì thế, con cái của Tổng Bí thư đều học hành chăm chỉ, đỗ đạt cao và đều tự lực vươn lên.
Có mặt tại đây, chị Nguyễn Thị Đào (SN 1956, là cháu họ Tổng Bí thư) kể, Tổng Bí thư vẫn dặn các cháu trong họ, cố gắng học thật giỏi. Học giỏi thì người ta về tận nhà để mời làm việc. “Ngay cả con gái bác Trọng, khi học đại học xong, ra trường phải ở nhà nấu cơm cho mẹ chứ bác không xin việc cho. Đến 2 năm sau khi có cơ quan đến mời làm việc, chị ấy mới bắt đầu đi làm. Còn con trai bác, có lúc về quê bị giục lấy vợ, nhưng anh ấy bảo phải làm xong luận án tiến sỹ kiến trúc mới lấy vợ. Và sau đấy, gần 40 tuổi anh ấy mới cưới”, chị Đào nói.
Chị Đào kể, có lần, con đường vào làng Lại Đà còn đổ đất, lầy lội. Trời mưa xuống bùn ngang mắt cá chân, mọi người đi lại có lúc phải khiêng xe qua. Khi Tổng Bí thư về thăm nhà, có người trong họ đề nghị nhờ tạo điều kiện để sửa con đường. “Lúc đó, ông bảo: “Cháu ơi, trên miền núi người ta còn phải trèo đèo, lội suối, vất vả lắm. Đây thì chỉ mưa xuống lầy lội thôi, mình vẫn còn có đường để đi”. Ông nói có tình, có lý nên ai cũng nghe”, chị Đào thuật lại.