Về với dân31/07/2021 - 09:13:00 Về với dân, đôi khi chỉ là một lời động viên, một cái nắm tay thật chặt, tưởng chừng nhỏ bé nhưng cũng đủ giúp người dân đứng dậy, vượt qua nghịch cảnh. Ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã có những ngày về như vậy.Ngày về với dân của Chủ tịch nước và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam diễn ra trong bối cảnh TPHCM đã trải qua gần 3 tuần áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ 0h ngày 9/7) và áp dụng quyết liệt theo Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM từ 24/7 đến nay. Kể từ ngày 26/7, sau 18 giờ, thành phố áp dụng quy định người dân hạn chế ra đường. Ngày về thăm dân của người đứng đầu Nhà nước và người đứng đầu Mặt trận cũng diễn ra ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, như một biểu hiện sinh động cho thấy tinh thần “ở đâu dân khó, ở đó có người đại biểu của dân”. Nơi tâm dịch, sau những hàng rào cách ly là khó khăn chồng chất. Nhưng cũng sau những hàng rào cách ly ấy, tình người càng ấm áp hơn. Trò chuyện, chia sẻ với người dân qua hàng rào phong tỏa, Chủ tịch nước, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thăm hỏi và động viên bà con như một lời khẳng định: Đảng, Nhà nước, chính quyền và Mặt trận luôn luôn ở bên người dân để chăm sóc, hỗ trợ, không để bà con quá khó khăn, nhất là tại các khu cách ly. Lời thăm hỏi ân tình của hai vị lãnh đạo đã mang theo thông điệp của một ngày về, không chỉ là về những nơi gian khó mà làm thế nào để nắm được tình hình, hiểu lòng dân để giải quyết được thì đấy mới là vấn đề quan trọng. Cho nên không có hàng rào nào phong toả được sự chân tình. Chẳng có khu cách ly nào có thể ngăn được nghĩa cử “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Và không có một gian khó nào có thể làm ta phải chùn bước khi giữ chặt niềm tin ở nhau, đoàn kết một lòng, nhìn về một hướng. Từ đó, những yêu cầu, chỉ đạo sẽ càng hợp lòng dân hơn như việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân, giãn cách phải gắn chặt với việc chăm lo đời sống cho người dân... Bằng mọi giá phải chiến thắng dịch bệnh để đảm bảo tốt nhất cuộc sống của nhân dân. Điều đó cũng cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào khi người lãnh đạo biết tìm ra cách ứng xử tốt nhất, có lợi cho dân, cho nước trên cơ sở tình yêu thương con người, thì dân sẽ được nhờ. Vì thế, về với dân, đôi khi chỉ là một lời động viên, một cái nắm tay thật chặt, tưởng chừng đơn giản nhưng cũng đủ giúp người dân đứng dậy, vượt qua nghịch cảnh. Nghĩa cử này cũng cho thấy, trong công tác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ - công bộc của dân thì việc về với dân, lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, sẽ giúp cho cán bộ không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình để người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước mà thông qua việc gắn bó với dân còn rèn luyện chính bản thân mình. Nhờ đó mới có đoàn kết. Nhờ đó mới có sự đồng lòng. Nhìn lại lịch sử của MTTQ Việt Nam sau 91 năm hình thành và phát triển sẽ càng thấm thía những bài học gần dân, hiểu dân không bao giờ là cũ. Ở giai đoạn nào, Mặt trận cũng là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Nhà nước. Nhưng muốn đoàn kết thì phải về với dân, càng những nơi gian khó, càng có người Mặt trận. Cho nên, hành trình của Mặt trận chính là hành trình về với dân từ những nơi gian khó nhất đến “tâm dịch”, từ thành thị cho đến những bản làng xa xôi, vùng nghèo khó, vùng bị thiên tai để san sẻ với khó khăn, kết nối lòng người và thắp lên những hy vọng. Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|