Đến 13h44 cùng ngày, tổ công tác dừng kiểm tra xe máy mang BKS 29F9- 277.XX do tài xế N.V.C. (SN 1972, quê tại Xuân Trường, Nam Định) điều khiển. Qua đo nồng độ cồn, tài xế C. vi phạm ở mức 0,417 mg/L khí thở, đây là mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100.

W-nongdocon.jpg

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với tài xế N.V.C. Ảnh: Đình Hiếu

Trình bày với CSGT, tài xế C. cho biết, do thời tiết nóng bức nên bản thân ông đã uống bia cùng bạn để giải nhiệt.

"Tôi biết uống bia rồi lái xe máy trên đường là nguy hiểm cho bản thân và người khác nhưng vì chủ quan đi quãng đường ngắn nên vi phạm", tài xế C. nói.

W-nongdocon2.jpg

Tài xế C. vi phạm ở mức 0,417 mg/L khí thở. Ảnh: Đình Hiếu

Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế C. với lỗi: Vi phạm nồng độ cồn, không có đăng ký xe. Với các lỗi trên, tài xế C. sẽ bị phạt với 7,9 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện trong 7 ngày làm việc.

Đáng chú ý, trong ca công tác, CSGT đã phát hiện tài xế L.B.T. (SN 1987, quê tại Thọ Xuân, Thanh Hóa) điều khiển xe máy mang BKS 29H2- 317.XX, vi phạm nồng cồn.

W-nongdocon4.jpg

Tổ công tác phát hiện tài xế T. vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đình Hiếu

Trao đổi với lực lượng chức năng, tài xế T. cho biết, bản thân không sử dụng rượu, bia nhưng có ăn hết nửa kg mận vào lúc 11h30 cùng ngày. Tài xế T. cũng cho rằng, do trong bữa cơm trưa cùng ngày, mình đã ăn nhiều dưa và cà muối nên mới phát sinh nồng độ cồn.

W-nongdocon6.jpg

Sau khi nghỉ ngơi và uống thêm nước, tài xế T. vẫn vi phạm nồng độ cồn ở mức 1. Ảnh: Đình Hiếu

Tổ CSGT đã cho tài xế T. nghỉ 10 phút và uống thêm nước lọc rồi tiếp tục kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra lần 2 của tài xế T. là 0,054 mg/L khí thở. Tài xế T. đã thừa nhận lỗi và ký vào biên bản vi phạm hành chính.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt tài xế T. với lỗi: Vi phạm nồng độ cồn ở mức 1. Với lỗi vi phạm này, tài xế T. bị xử phạt số tiền 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

W-nongdocon5.jpg

Lực lượng chức năng dán niêm phong phương tiện vi phạm. Ảnh: Đình Hiếu

Đại úy Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, khi dừng xe kiểm tra tài xế, lực lượng CSGT đo nồng độ cồn bằng phương pháp định tính để phát hiện có cồn. Sau khi phát hiện có nồng độ cồn trong hơi thở mới tiếp tục kiểm tra bằng phương pháp định lượng, trong trường hợp tài xế trình bày đã súc miệng bằng chất có cồn hoặc ăn đồ lên men thì tổ công tác cho tài xế nghỉ ngơi từ 5 - 10 phút, uống nước và kiểm tra lại.

"Sau khi đã thực hiện đầy đủ theo các bước mà vẫn phát hiện trong hơi thở tài xế có cồn thì chúng tôi sẽ cương quyết xử lý theo quy định của pháp luật", Đại úy Nguyễn Văn Tiến nói.

Cũng theo Đại úy Nguyễn Văn Tiến, qua các ca công tác, tình trạng tài xế điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn đã giảm rõ, nhiều tài xế có ý thức chấp hành hơn trước.