Vậy các tỉnh sẽ làm gì để đẩy nhanh việc tiêm vắc xin?
Các tỉnh nói do thiếu nhân lực
Ông Nguyễn Thanh Tùng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang - giải thích: Do tỉnh thiếu tủ trữ bảo quản nên chậm trễ trong tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Vắc xin nhận từ Bộ Y tế phải gửi tại Viện Pasteur TP.HCM và nhận từng đợt, tiêm hết đợt này mới đem về đợt khác.
Ngoài ra, theo ông Tùng, do triển khai tiêm cho doanh nghiệp, phải đưa lực lượng xuống tận nơi nên nhân lực hạn chế.
Chiều 10-8, ông Phạm Minh An, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng thừa nhận việc triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chậm và cho biết nay mai sẽ hoàn thành.
Tuổi Trẻ đã liên lạc với một số doanh nghiệp tại tỉnh này thì họ cho biết vẫn chưa được gọi hay nhận được công văn về thời gian, địa điểm tiêm vắc xin đợt 4 này.
Một doanh nghiệp thuộc "tuyến đầu" chống dịch nhưng nằm trong danh sách đợt tiêm thứ 4 cho biết đến nay mới được gọi đi tiêm vào ngày 11-8.
Lý giải cho việc chậm, ông Phạm Minh An cho rằng: "Vắc xin được phân bổ nhưng nằm trên kho ở Viện Pasteur, TP.HCM, đưa về từng nào chúng tôi tổ chức tiêm từng đó".
Tương tự, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho hay việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên địa bàn còn chậm.
Theo ông Vũ, nguồn nhân lực y tế tỉnh hiện đang tập trung cho công tác phòng chống dịch đã dẫn đến thiếu người tổ chức tiêm chủng làm cho tiến độ tiêm chậm, đặc biệt tại Biên Hòa.
Lại cũng viện về lý do thiếu nhân lực, ông Kiên Sóc Kha - giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh - nói: Nguyên nhân tiêm vắc xin chậm vì vừa phải tập trung nguồn nhân lực chống dịch, vừa tiêm chủng thường xuyên.
Ngoài ra sau khi nhận vắc xin phân bổ xong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh mới lên kế hoạch tiêm phòng. Chính vì vậy sau khi nhận vắc xin về, khoảng 1 tuần sau mới có thể triển khai tiêm phòng.
Giống như các tỉnh khác, ông Nguyễn Ngọc Chơn - giám đốc CDC tỉnh Tiền Giang - cũng than: "Do ngành y tế của tỉnh đang tập trung nguồn lực để chống dịch nên công tác tiêm chủng của tỉnh có hơi chậm lại".
Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiêm chủng
Để đẩy nhanh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, ông Nguyễn Ngọc Chơn cho biết sáng nay 11-8 sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho toàn tỉnh, dự kiến đến ngày 15-8 hoàn tất lượng vắc xin đã nhận. TP Mỹ Tho sẽ được ưu tiên khoảng 80% số lượng vắc xin đã nhận, còn các huyện, thị còn lại 20% số người được tiêm vắc xin.
Còn theo ông Kiên Sóc Kha, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo CDC phải chuẩn bị sẵn kế hoạch tiêm vắc xin từ trước, khi có vắc xin phải triển khai tiêm liền, có tới đâu tiêm tới đó. Việc tiêm chủng không được dàn trải như trước đây mà phải tập trung vào những vùng trọng điểm, đúng đối tượng ưu tiên.
Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng, cần sẽ bung sức tiêm nhanh. Hiện 8 huyện, thị, thành của tỉnh Hậu Giang trung bình có khả năng tiêm được 20.000 liều vắc xin/ngày.
"Ngày 11-8 chúng tôi sẽ lấy 16.500 liều vắc xin đang gửi ở Viện Pasteur TP.HCM về để tiêm và vài ba bữa nữa sẽ tiêm hết 100% số vắc xin được phân bổ" - ông Tùng nói.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho ông Nguyễn Công Vinh, phó chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp phụ trách việc tiêm chủng.
Ông Phạm Viết Thanh, bí thư Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định sẽ tiêm hết số vắc xin được nhận về trước ngày 13-8. Tỉnh sẽ bàn giao vắc xin cho từng địa phương và đơn vị để tổ chức tiêm cho đợt 5 với tổng cộng hơn 63.500 liều.
"Chúng tôi giao việc tiêm vắc xin cho các địa phương và bệnh viện gồm cả công và tư, trạm xá công an, quân đội chứ không giao hết cho Sở Y tế và CDC như trước đây.
Bây giờ Sở Y tế và CDC chủ yếu tập trung vào lo dịch tễ để phòng chống dịch, chứ không lo việc tiêm vắc xin. Địa phương nào không tổ chức tiêm hết vắc xin như dự kiến, người đứng đầu sẽ bị kỷ luật" - ông Thanh nói.
Cùng chung quyết tâm, chiều 10-8 tại buổi làm việc với Sở Y tế và CDC tỉnh, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - tân bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - chỉ đạo bằng mọi cách phải tăng tỉ lệ phủ vắc xin phòng COVID-19.
Theo ông Lĩnh, để đạt được mục tiêu phủ kín vắc xin phải sử dụng nhiều giải pháp. Ví dụ như thực hiện xã hội hóa công tác tiêm vắc xin bằng việc doanh nghiệp hỗ trợ chi phí để thuê đơn vị tiêm chủng.
Tương tự, ông Đầu Thanh Tùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho biết đến nay việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang diễn ra đúng kế hoạch của UBND tỉnh.
"Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa và hệ thống y tế của tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm để đến ngày 14-8 sẽ tiêm xong vắc xin phòng COVID-19, trước hai ngày so với kế hoạch của tỉnh" - ông Tùng khẳng định.
Phân bổ nơi khác thì tội dân
Khi nghe Bộ Y tế nói sẽ rút vắc xin nơi tiêm chậm để phân bổ đi nơi khác, nhiều người dân cho rằng đơn vị, tỉnh nào chậm trễ thì xử lý cán bộ nơi ấy. Bộ Y tế không nên "cắt" vắc xin sẽ tội cho người dân vì họ không có lỗi.
Chị Trần Lệ Hoa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bộc bạch: "Bà con tụi tui đã test nhanh để khi nào có vắc xin sẽ tiêm. Tụi tui trông chờ được tiêm vắc xin nhưng vì lý do gì đó mà cắt vắc xin thì tội dân quá".
Ít khả năng phải điều chuyển vắc xin sau 15-8
Tại phiên họp trực tuyến ngày 9-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông báo có 8 tỉnh trong danh sách tiêm chậm gồm Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Thanh Hóa. Theo ông Tuyên, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế rà soát, đánh giá những địa phương, đơn vị nào tổ chức tiêm vắc xin tỉ lệ thấp, Bộ Y tế sẽ chủ động chuyển số vắc xin đó về các đơn vị, địa phương có tỉ lệ tiêm cao, tốc độ tiêm nhanh.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về vấn đề trên, một chuyên gia cho rằng nếu tỉnh thành nào để vắc xin trong kho và chưa tiêm thì điều chuyển cho vùng khác, điều chuyển chỗ khác tiêm nhanh, không để vắc xin trong kho. Điều đó không có nghĩa điều chuyển thì sau này người dân không được tiêm vì vắc xin sẽ còn về nhiều đợt.
"Nhưng trong tình hình hiện nay không tỉnh nào để điều chuyển đâu. Các tỉnh có trong danh sách tiêm chậm đã biết chủ trương phải điều chuyển vắc xin, do đó tiến độ tiêm vài ngày gần đây đã tăng lên, ít có khả năng phải điều chuyển vắc xin sau ngày 15-8", chuyên gia trên nói.
Theo Bộ Y tế, tiến độ tiêm chủng đã tăng trong 2 tuần gần đây, trung bình đạt 400.000 mũi/ngày, cao nhất ngày 9-8 đạt gần 600.000 mũi.
Cũng theo Bộ Y tế, sáng 10-8 đã có thêm gần 500.000 liều vắc xin AstraZeneca do cơ chế COVAX tài trợ về đến Việt Nam, nâng tổng số vắc xin do COVAX tài trợ đến nay lên trên 9,17 triệu liều.
Dự kiến trước 15-8 sẽ có thêm 1 lô vắc xin khoảng 1 triệu liều về và sẽ được cấp phát sớm cho các địa phương tổ chức tiêm chủng.
LAN ANH
TP.HCM: nếu phân bổ đủ, khoảng 70% người dân được tiêm vắc xin trong tháng 8
Hôm qua 10-8, tại cuộc họp báo về COVID-19 ở TP.HCM, về tình hình vắc xin COVID-19 tại TP, phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho 70% dân số (từ 18 tuổi trở lên) của TP.HCM muốn thực hiện phải dựa vào lượng phân bổ vắc xin của Bộ Y tế.
Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM Từ Lương cho biết hiện nay tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 của TP.HCM đã được đẩy lên rất nhanh. Hiện tại trung bình mỗi ngày TP có thể tiêm được 220.000 - 250.000 liều và có thể đẩy nhanh hơn nữa. Nếu được phân bổ đủ lượng vắc xin, TP.HCM sẽ đảm bảo mục tiêu đề ra trong tháng 8.
Sở Y tế cho biết từ ngày 8-3 đến 12h ngày 9-8, TP.HCM nhận được hơn 4,1 triệu liều vắc xin và đã tiêm hơn 3,4 triệu liều.
Dự kiến hết ngày mai 12-8, TP.HCM sẽ tiêm hết vắc xin được cấp. UBND TP.HCM đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vắc xin trong tháng 8 với tổng số liều là 5,5 triệu (bao gồm mũi 1 và những người đủ điều kiện tiêm mũi 2).
Ông Nam cho hay hôm qua 10-8 TP.HCM đã tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm cho Tập đoàn FPT. Ông Nam cho biết thành phố triển khai tiêm số lượng vắc xin này dựa trên văn bản đề xuất của các đơn vị, trong đó có FPT. Vắc xin này được Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM vào ngày 6-7 với 19.000 liều.
TUYẾT MAI
Ngày mai báo cáo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a vắc xin Nano Covax
Thông tin từ nhóm nghiên cứu vắc xin Nano Covax cho hay dự kiến ngày mai 12-8, nhóm sẽ nộp báo cáo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a trên người tình nguyện lên Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh.
Sau khi nhận báo cáo, dự kiến Bộ Y tế sẽ nhóm họp vào ngày 15-8 để xem xét, đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3 của vắc xin này.
Sau khi đánh giá kết quả thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3, do yêu cầu phòng chống dịch và nếu các bộ liên quan chấp thuận sửa các quy định hiện hành như cho phép cấp phép khẩn cấp vắc xin sau khi có đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3, cho phép tiếp tục theo dõi về hiệu quả bảo vệ của vắc xin, thì nhà sản xuất có thể nộp hồ sơ đăng ký vắc xin khẩn cấp lên Bộ Y tế.
LAN ANH
TP.HCM: phấn đấu kiểm soát được dịch trước 15-9
Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh tại TP.HCM trước ngày 15-9, tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai là ngày 1-9 và các tỉnh, TP khác là 25-8.
Đó là nội dung được nêu ra trong nghị quyết số 86 về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành.
Nghị quyết cũng nêu chủ tịch UBND các tỉnh chủ động quyết định và áp dụng các mức độ nguy cơ theo tinh thần chỉ thị 15, chỉ thị 16 và chỉ thị 19 với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn. Khi áp dụng đặc biệt lưu ý phải thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ, dứt khoát.
Từ đó, mục tiêu là bảo vệ được thật chắc các "vùng xanh"; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh", "vùng cam" thành "vùng vàng" và khoanh chặt, thu hẹp "vùng đỏ"; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các "vùng đỏ" ở phạm vi hẹp nhất.
Chính phủ giao Bộ Y tế kịp thời phân bổ vắc xin, ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp.
Đảm bảo tiêm vắc xin với tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp tìm nguồn vắc xin. Gắn với đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vắc xin, thuốc điều trị...
Cùng với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đảm bảo việc hỗ trợ người dân, không để ai bị thiếu đói, gắn với chính sách an sinh xã hội.
Với thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 được sản xuất tại Việt Nam đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả thì xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trên cơ sở ý kiến của Hội đồng đạo đức và Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cũng theo nghị quyết của Chính phủ, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 là do ngân sách nhà nước bảo đảm. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, hôm qua 10-8, trong nước có 8.385 ca mắc mới (giảm 938 ca so với ngày 9-8), trong đó TP.HCM 3.956 ca. Trong ngày có thêm 4.428 bệnh nhân khỏi bệnh.