Vì sao lại căn cứ nhiệt độ lúc 6 giờ để cho học sinh nghỉ học?24/01/2024 - 14:41:00 Nhiều phụ huynh cho rằng việc phải chờ bản tin dự báo thời tiết vào 6 giờ sáng mới biết con đi học hay nghỉ khiến họ không chủ động.Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, trẻ mầm non và học sinh tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C; học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C. Các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm trong những ngày rét đậm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học. Căn cứ để nhà trường đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học là bản tin dự báo thời tiết trong chương trình "Chào buổi sáng" trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và chương trình "Hà Nội buổi sáng" trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vào 6 giờ sáng hằng ngày. Nhiều phụ huynh cho rằng việc phải chờ bản tin dự báo thời tiết vào 6 giờ sáng mới biết con đi học hay nghỉ khiến họ không chủ động. Chia sẻ về lý do Sở GD&ĐT Hà Nội cho học sinh nghỉ học căn cứ vào dự báo thời tiết lúc 6h sáng, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết vì Sở đánh giá bản tin dự báo thời tiết lúc 6 giờ từ cơ quan chuyên môn có tính chính thống, là căn cứ xác đáng để quyết định. Hơn nữa, công tác phòng, chống rét đã được thực hiện từ đầu mùa đông. Trước mỗi đợt lạnh sâu, các trường được yêu cầu lên kế hoạch ứng phó, như cho học sinh nghỉ học, học trực tuyến hoặc trang bị thêm cơ sở vật chất để đón học sinh trong những ngày này. Phụ huynh cũng thường xuyên được nhắc nhở, khuyến cáo theo dõi tình hình thời tiết để giữ ấm cho con. Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng đây là phương án linh hoạt, trao quyền chủ động cho các trường dựa trên điều kiện thực tế. "Với những trường cho học sinh nghỉ vẫn mở cửa đón học sinh nếu gia đình không có người trông. Do đó, bản chất của quy định này không phải cứ 6 giờ sáng mới rối lên tìm cách làm mà đã có sự chuẩn bị rồi", đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết. Về dự báo thời tiết trong những ngày tới, cơ quan khí tượng nhận định, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài đến khoảng ngày 28/1; vùng núi cao vẫn có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Theo TS. Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, với diễn biến rét đậm, rét hại hiện nay, dự báo sau ngày 30/1, nhiệt độ ban ngày mới tăng lên trên 20 độ. Từ nay đến ngày 28/1, nền nhiệt độ cả ban ngày và đêm đều ở mức thấp, rất ít thời điểm có nắng. Riêng khoảng từ 26/1, khi thời tiết từ rét hại chuyển rét đậm, rét hại, nhiệt độ ban đêm và sáng sớm mới có khả năng trên 10 độ; từ 28/1 có thể lên trên 13 độ và từ 30-31/1 trên 15 độ. Thông tin nhanh từ Sở GD&ĐT Hà Nội vào cuối giờ sáng hôm nay cho biết, công tác tổ chức đón trẻ mầm non, học sinh tiểu học của các nhà trường vẫn được duy trì. Với tinh thần linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh học sinh, nhất là trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hầu hết cha mẹ học sinh đều rất bận, các nhà trường vẫn duy trì việc chăm sóc, giáo dục và tăng cường quản lý học sinh. Ghi nhận trong ngày 23/1, ở khối mầm non, tỷ lệ trẻ đi học ở các quận, huyện, thị xã khá cao. Đơn cử, các trường mầm non quận Tây Hồ có tỷ lệ đón trẻ đạt trên 80%; tại quận Hà Đông là 59%; quận Nam Từ Liêm đạt trên 52%; quận Thanh Xuân đạt 46%. Tỷ lệ này tính chung của cả khối công lập và tư thục. Tỷ lệ trẻ đi học ở khối các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục ở nhiều địa bàn cũng khá cao. Cụ thể, các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục ở quận Tây Hồ có tỷ lệ đón trẻ đạt 80,2%; quận Hoàn Kiếm đạt 75%; các quận Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai… đều đạt trên 70%. Theo Sức khỏe & Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|