VIDEO: Kinh Môn tập trung chăm sóc cây hành, tỏi27/11/2021 - 17:36:00 Hành, tỏi là cây vụ đông mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân thị xã Kinh Môn. Hiện nay cây hành, tỏi đang trong giai đoạn phát triển thân lá nhanh vì vậy bà con nông dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây.
Mặc dù thời tiết bất thuận nhưng thị xã Kinh Môn đã trồng được gần 4.000 ha hành, tỏi. Thực tế cho thấy cây hành, tỏi luôn có giá trị vượt trội, 1 sào trồng hành, tỏi cho thu nhập có thể lên đến 60 triệu đồng. Do vậy vụ đông năm nay nhiều xã, phường của thị xã Kinh Môn đã tận dụng hết đất trồng cây vụ đông để trồng hành, tỏi. Hiện nay cây hành, tỏi đang trong thời kỳ phát triển thân lá giai đoạn đầu vụ. Giai đoạn này cây cần được cung cấp để nước để phát triển bộ rễ, thân lá. Tuy trồng trên nền đất ướt, cây hành, tỏi phát triển khá tốt. Theo tập quán, bà con nông dân thường ngâm nước ở rãnh ruộng hành, tỏi phục vụ việc cung cấp nước cho cây sinh trưởng. Nước ở rãnh luống rất thuận tiện cho việc tưới dưỡng, tuy nhiên việc ngâm nước lâu ngày là điều kiện để cho nấm bệnh phát triển trên cây hành, tỏi. Khi tưới xong bà con cần tháo nước để khô rãnh. Cây hành, tỏi năm nay trồng muôn hơn từ 10-15 ngày nên nhiều nơi bà con muốn cây phát triển nhanh nên bón tăng lượng đạm… Việc bón tăng lượng đạm cây dễ bị tốt lá, ảnh hưởng đến việc xuống củ sau này. Trên cây hành, nấm và vi khuẩn tấn công từ giai đoạn cây non cho đến khi thu hoạch. Nhưng gây hại nhiều nhất là giai đoạn cây non, hành bật khỏi mặt rạ từ 5-10cm. Đây là giai đoạn mẫn cảm nhất với bệnh. Vượt qua giai đoạn này, cây hành ít khi bị chết rũ do các đối tượng gây bệnh trên. Bệnh thường phát sinh nhiều trên chân ruộng thoát nước kém, có nhiều tàn dư chưa hoai mục hoặc tưới nước quá nhiều, đất quá ẩm, đất trước đó trồng các cây họ cà, bầu bí, rau thập tự. Môi trường đất yếm khí thiếu ôxi, bón phân không cân đối, bón nhiều đạm thì bệnh thường phát triển mạnh. Vì vậy, trong giai đoạn này nông dân không nên chăm sóc hành bằng cách tưới đạm u-rê vào gốc cây hành non, thay vào đó, cần bổ sung dinh dưỡng cho hành thông qua thân, lá bằng cách phun định kì 3- 4 ngày/lần các chế phẩm phân bón lá có chứa NPK và các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng. Vượt qua giai đoạn này, cây hành có sức chống đỡ nấm và vi khuẩn héo rũ mạnh hơn. Lúc đó, nông dân có thể bón thúc cho hành bằng cách tưới đạm u-rê và kali cân đối./. Hoàng Vân
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|