Việt Nam chỉ có khoảng 10 trường hợp chết não hiến tạng mỗi năm27/11/2021 - 16:17:00 Tại nước ta, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 10 trường hợp chết não đồng ý hiến tạng, trong tổng số hàng chục nghìn trường hợp chết não ở các bệnh viện.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người cần được ghép mô, tạng không thể kéo dài được sự sống vì thiếu nguồn mô tạng. Thông tin này được đề cập tại Hội thảo đánh giá chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam thực hiện được 6.111 ca ghép tạng, nhưng trong đó chỉ có 371 ca lấy tạng từ người chết não. “Chúng ta chỉ có 10 trường hợp chết não đồng ý hiến tạng, trong số người chết não là mấy chục nghìn trường hợp. Riêng chấn thương sọ não, nếu tính theo tỷ lệ như ở Mỹ thì mỗi năm Việt Nam có tới hơn 20.000 người chết vì chấn thương sọ não, chưa tính chết vì tai biến mạch não. Tại Mỹ là 54.000 người chết vì chấn thương sọ não (số liệu năm 2019). Với tỷ lệ này, Việt Nam chỉ đạt 0,1 người chết não đồng ý hiến tạng trong số 1 triệu dân mỗi năm”, GS Hệ nói. Trong khi đó, mỗi năm tại Tây Ban Nha, cứ 1 triệu dân, có 34 trường hợp chết não hiến tạng hoặc như tại Malaysia tỷ lệ người chết não hiến tạng trong số 1 triệu dân gấp 14 lần Việt Nam. Theo các chuyên gia, sau 15 năm triển khai chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng ở Việt Nam đã bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập đòi hỏi cần được đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung… để hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực này tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc kiến tạo và thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một trong những trở ngại lớn hiện nay là chỉ người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số trường hợp chẩn đoán chết não nhưng người chết não chưa đủ 18 tuổi nên không thể tiếp nhận mô, tạng của người đó, gây lãng phí nguồn tạng hiến tặng cũng như chưa đáp ứng được tâm nguyện của gia đình người hiến tặng. Từ thực tế này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang và nhiều chuyên gia khác cho rằng đã đến lúc cần sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, tạng và hiến lấy xác có hiệu lực từ năm 2007. “Thứ nhất là không giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não, tức là kể cả người dưới 18 tuổi hay trên 18 tuổi, nếu có nguyện vọng hiến mô, tạng sau khi chết não thì được tạo điều kiện để được hiến. Thứ 2 là đối với người hiến sống, cần tách biệt thành 2 trường hợp. Trường hợp không cùng huyết thống thì phải từ đủ 30 tuổi trở lên, tức là nâng độ tuổi lên so với luật hiện hành. Còn với người không cùng huyết thống thì vẫn giữ như hiện hành, tức là từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, bà Trang cho hay. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc xem xét bổ sung trường hợp hiến mô tạng khi chết tim, cần mở rộng hình thức đăng ký hiến vì hiện nay chỉ đăng ký trực tiếp qua 21 cơ sở y tế đủ điều kiện lấy, ghép mô, tạng nên người dân khó tiếp cận. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo chế độ cho gia đình người hiến, vì hiện nay, người tình nguyện hiến tặng mô, tạng, phải trả chi phí xét nghiệm và dù có thẻ bảo hiểm y tế cũng không được thanh toán đầy đủ, đồng bộ./. Theo VOV
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|