Việt Nam chi gần 20.000 tỷ nhập về ăn, tiết lộ sốc giá trái cây Trung Quốc19/11/2024 - 14:52:00 Khoảng gần 20.000 tỷ đồng đã được chi ra để nhập khẩu các loại rau quả Trung Quốc về Việt Nam trong 10 tháng qua. Đến chợ đầu mối Việt, dân buôn tiết lộ mức giá sốc của các loại trái cây Trung Quốc.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi ra gần 800 triệu USD (khoảng 20.000 tỷ đồng) để nhập các loại rau quả từ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là trái cây. Theo đó, nhập khẩu rau quả từ quốc gia láng giềng này tăng mạnh 25% so với con số 640 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Các loại trái cây Trung Quốc được nhập về Việt Nam theo mùa, nhưng mỗi mặt hàng đổ bộ chợ Việt đều với số lượng rất lớn, bày bán la liệt. Đáng chú ý, sau một quãng đường dài vận chuyển và qua nhiều khâu trung gian từ Trung Quốc về tới chợ đầu mối Việt Nam, hầu hết các loại trái cây này được dân buôn rao bán với mức giá siêu rẻ. Thậm chí, cả những loại trái cây được quảng cáo là hàng Vip, hàng loại A hay hàng nội địa của Trung Quốc giá cũng rẻ như rau. Hơn một tháng nay, hồng thạch trân châu Trung Quốc "nhuộm đỏ" chợ Việt. Loại hồng này được quảng cáo ăn như thạch với vị ngọt đậm, giá bán lẻ dao động từ 50.000-90.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. Thế nhưng, tại chợ đầu mối online, giá hồng thạch chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg. Ngoài hồng thạch, các loại hồng mật, hồng đen... Trung Quốc cũng tràn sang chợ Việt. Theo đó, giá hồng mật chỉ 13.000-18.000 đồng/kg, còn hồng đen giá chỉ 200.000 đồng/rành (20.000 đồng/kg). Trong khi đó, nho Ruby ăn giòn tan, ngọt lịm cũng được chào sỉ với giá dao động 17.000-30.000 đồng/kg tuỳ loại. Còn loại táo mật Phú Sĩ ở vùng Quý Châu (Trung Quốc) được giới buôn bán quảng cáo là hàng cao cấp giá cũng chỉ 15.000 đồng/kg. Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội gần đây, nhiều người băn khoăn và đặt nghi vấn về vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm với các loại trái cây Trung Quốc khi có giá bán quá rẻ. Tuy nhiên, trả lời PV. VietNamNet về vấn đề trên, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng trái cây nhập khẩu từ các thị trường nói chung và từ Trung Quốc nói riêng được thực hiện theo Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15). Nghị định 15 quy định 3 phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm: Phương thức kiểm tra giảm: kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên. Phương thức kiểm tra thông thường chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu. Phương thức kiểm tra chặt là kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm. Việc áp dụng phương thức nào là dựa trên các đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm với các lô hàng/mặt hàng nhập khẩu. Từ số liệu giám sát, hậu kiểm, cảnh báo an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, vi phạm an toàn thực phẩm qua các năm, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ quyết định áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra chặt đối với lô hàng, mặt hàng. Ngoài ra, hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật cũng thực hiện Chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Hoạt động chính của chương trình là lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây nhập khẩu. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng nhấn mạnh, với các loại trái cây Trung Quốc nhập về Việt Nam đang áp dụng biện pháp kiểm tra thông thường. Trường hợp phát hiện nguy cơ, có thể thay đổi biện pháp kiểm tra, đồng thời tăng tần suất lấy mẫu. Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|