Việt Nam có 6 trường lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới 202428/09/2023 - 20:26:00 Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024, trong đó Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt top.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng chính thức, gồm: trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế.
Bảng xếp hạng THE 2024 xếp hạng 1.904 cơ sở giáo dục đại học đến từ 108 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm nay, THE sử dụng phương pháp xếp hạng WUR 3.0, trong đó trọng số một số tiêu chí được điều chỉnh so với THE 2023. 10 trường đại học tốt nhất được THE xếp hạng gồm: Đại học Oxford (Anh), Đại học Stanford (Mỹ), Viện Công nghệ Massachusett (Mỹ), Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Cambridge (Anh), Đại học Princeton (Mỹ), Viện Công nghệ California (Mỹ), Đại học Hoàng gia London (Anh), Đại học California-Berkeley (Mỹ) và Đại học Yale (Mỹ). THE là một trong những tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh các tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU). Ngoài bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới (World University Rankings), THE còn phát triển các bảng xếp hạng dành riêng cho từng khu vực như: Bảng xếp hạng đại học châu Á (Asia University Rankings), Bảng xếp hạng các đại học trẻ (Young University Rankings), Bảng xếp hạng đại học châu Mỹ Latinh (Latin America Rankings). Trước đó, năm 2022, Việt Nam có 5 đại diện lọt vào bảng xếp hạng THE, gồm Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM. 5 cơ sở giáo dục đại học này cũng nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu 2022, bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023 và bảng xếp hạng trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có được thành tích trên, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, là do tự chủ đại học đạt được nhiều hiệu quả. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (90,6%). Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Từ đầu năm 2018 đến ngày 31/12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở; trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực mới như: Khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm; thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh. Dù tự hào với thành tích đạt được, nhưng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Năm 2007, tại quyết định phê duyệt mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Đến nay, trong các bảng xếp hạng, vị trí của các trường vẫn chỉ dừng ở top 400 - 1.000+. Theo Đầu tư
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|