Vốn FDI sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm 202309/07/2023 - 14:53:00 Từ việc Foxconn rót thêm vốn, P&G, Intel mở rộng nhà máy, hay nhiều các công ty Hàn Quốc, Đài Loan khởi động dự án… và dựa trên số liệu vốn nước ngoài (FDI) đăng ký 6 tháng cho thấy những tín hiệu tích cực về dòng vốn FDI. Kỳ vọng thêm những “đại bàng” Tập đoàn Foxconn (nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu của Đài Loan - Trung Quốc) vừa được tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án với tổng mức vốn 250 triệu USD. Theo Reuters, Foxconn đang có kế hoạch thành lập thêm một nhà máy mới tại tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu USD. Các dự án lớn sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh. Nhiều dự án mới dự kiến cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Đơn cử như Tập đoàn LG cam kết sẽ đầu tư thêm 4 tỷ USD trong những năm tới, hoặc như chiều hướng mở rộng đầu tư của Foxconn. Thông tin tích cực gần đây nhất là việc Tập đoàn P&G dự kiến mở rộng nhà máy ở Bình Dương. Đại diện Procter & Gamble Việt Nam cho biết, doanh nghiệp hiện có 2 nhà máy tại Bình Dương, với quy mô 300 triệu USD. Thời gian tới, P&G sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát (Bình Dương). Trong khi đó, cuối năm nay, Amkor - “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn, có trụ sở chính tại Arizona (Mỹ), sẽ đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn I là 500 triệu USD. Sau khi cùng phái đoàn Mỹ sang Việt Nam tầm 2 tháng, vào trung tuần tháng 5/2023, Boeing đã chính thức khai trương văn phòng mới tại Hà Nội. Tương tự, Intel sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới, sau khi đã thành công với dự án 1,5 tỷ USD ở TP Hồ Chí Minh. Intel đang trong quá trình đàm phán với Chính phủ Việt Nam về các cơ chế, chính sách cho dự án này. Ngoài ra, ngày càng có nhiều các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc (Đài Loan)… khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam, nhờ vào hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do và chi phí lao động cạnh tranh. Việc Foxconn, P&G, Intel hay nhiều doanh nghiệp lớn khác rót thêm vốn và dựa trên số liệu vốn nước ngoài đăng ký từ đầu năm đến nay đang cho thấy có những tín hiệu tích cực về dòng vốn FDI dịch chuyển trở lại Việt Nam. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3%, nhưng mức giảm đã thấp hơn so với các tháng trước. Tuy tổng vốn FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm nhưng vốn giải ngân đã tăng trở lại sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm, đạt hơn 10 tỷ USD. Cùng với đó, số lượng dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ so với 5 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong khuôn khổ "Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore" lần đầu tổ chức tại Hà Nội sáng 7/7, Ngân hàng UOB lên kế hoạch thúc đẩy thêm dòng vốn FDI vào Việt Nam thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT). Điểm sáng các trung tâm kinh tế Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài gần 2,27 tỷ USD, chiếm gần 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang,… Theo Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội Vũ Duy Tuấn, đạt được kết quả trên là nhờ có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam; đồng thời, TP phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Không phải chỉ là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh… nhiều địa phương cũng đang trở thành những “ngôi sao đang lên” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tương lai, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn UOB Sam Cheong dự báo, Việt Nam có khả năng thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ... "Các dự án FDI xanh vào Việt Nam đã tăng lên, tiềm năng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư giúp chuyển đổi nền kinh tế trong nước"- ông Sam Cheong chia sẻ. Cơ hội đón thêm những “đại bàng” không phải là không có. Với lực lượng lao động nội địa gần 100 triệu người với tầng lớp trung lưu phát triển, tạo ra thị trường có sức mua cao, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, chất lượng cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, viễn thông và năng lượng, là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục được cải thiện ở Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 nhờ một loạt các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách quản lý cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Hàng loạt dự án vành đai được khởi công. Chính phủ đang thúc đẩy các dự án tiềm năng như hệ thống tàu điện ngầm ở TP Hồ Chí Minh, triển khai 5G hoặc xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai. Một khi hoàn thành, các dự án này sẽ giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng suất và tiên tiến hơn. Ngoài ra, theo Bộ GTVT, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới 5.000 km đường cao tốc. Bên cạnh những thuận lợi, căng thẳng địa chính trị kéo dài khiến việc thu hút đầu tư FDI sẽ tạo ra khó khăn đối với Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác. Chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), sẽ áp dụng cho 141 quốc gia gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024 mang đến lực cản trong việc thu hút FDI với Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài. Để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam cần cải thiện tốt hơn cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và chất lượng lao động và khung pháp lý phù hợp. Theo Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, yếu tố quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ ở mức độ cạnh tranh về mặt thuế quan mà việc cải thiện quy trình hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục mới là những yếu tố ưu tiên hàng đầu... Chính phủ đang tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. (Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng) Theo Kinh tế đô thị
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|