Vượt qua khủng hoảng Covid-19 để vươn lên: Cần chính sách đột phá hơn23/10/2021 - 09:14:00 Các chính sách cần tập trung vào hàn gắn những mất mát do dịch Covid-19 gây ra, xoa dịu nỗi đau và kích thích tăng tốc phát triển kinh tếDịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp.
Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên Báo Người Lao Động với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, về những giải pháp để vượt qua khủng hoảng dịch Covid-19 và vươn lên. * Phóng viên: Dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề đối với kinh tế - xã hội trong 2 năm qua, đặc biệt là ở giai đoạn bùng phát 4 tháng gần đây. Ông đánh giá những thách thức mà chúng ta phải đối mặt để có thể nhanh chóng vượt qua khủng hoảng và vươn lên?
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN - PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Năm 2020, chúng ta mất đi khoảng 4% GDP so với năm 2019, tương đương mất đi 4% của quy mô GDP khoảng 340 tỉ USD, một con số lớn. Năm 2021, dự kiến mức suy giảm tăng trưởng kinh tế so với năm 2020 cũng khoảng 4%. Đau lòng nhất là không chỉ mất mát về kinh tế, chúng ta còn phải đối mặt với mất mát về con người, về tinh thần cùng với nhiều xáo trộn trong đời sống, xã hội. Mất mát, tổn thương về người thì không thể lấy lại được nhưng về mặt kinh tế, cần sự chung sức, chung tay của mỗi người để nỗ lực lấy lại những gì đã mất, nhanh chóng hồi phục và tạo đà cho những năm sau. Trong quá trình dồn sức khôi phục kinh tế, cần đặc biệt chú ý, quan tâm đến những vấn đề xã hội, đặc biệt là bảo đảm an sinh cho những đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa thể nhanh chóng kết thúc. Do vậy, khôi phục kinh tế phải trên tinh thần hết sức thận trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở, y tế dự phòng... để sẵn sàng ứng phó được với những tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh trong tương lai. Đó cũng là cách hạn chế gây thêm tổn thương cho kinh tế nếu phát sinh các cuộc khủng hoảng. Cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có nguồn lực hồi sinhẢnh: Hoàng Triều * Ông nhấn mạnh an sinh xã hội là vấn đề cần quan tâm đặc biệt, là nhiệm vụ quan trọng song song với hồi phục và phát triển kinh tế. Vậy cụ thể cần có những chính sách như thế nào, thưa ông? - TP HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với số ca mắc, số người tử vong cao nhất. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trên cả nước là khoảng 869.000 ca thì TP HCM chiếm khoảng một nửa. Tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.416 người, riêng TP HCM là trên 16.000 người. Hoạt động kinh tế tại thành phố cũng suy giảm đáng kể khi số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động rất lớn vì lý do an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Trước thực tế này, cần những chính sách đột phá hơn để hàn gắn, xoa dịu nỗi đau của những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, bị mất đi người thân, mất đi sinh kế. Theo đó, tiếp tục làm tốt hơn nữa việc hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở cho người dân, hỗ trợ cho doanh nghiệp để có nguồn lực hồi sinh. * Còn chiến lược riêng để hồi phục kinh tế, thưa ông? - TP HCM hiện đang xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với những chặng đường cụ thể. Trong đó, thời gian 3 quý đầu tiên dành để khôi phục mọi mặt, các quý tiếp theo là thời gian để phát triển, tăng tốc. Trong kịch bản thành phố đang xây dựng, dự kiến thành phố huy động nguồn lực đủ lớn để đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, cảng biển, sân bay và xử lý nước thải. Ngoài ra, phải đầu tư nhiều hơn cho y tế, hạ tầng số, chỉnh trang đô thị, đầu tư nhà ở... Về nguồn lực ở đâu để phát triển, thành phố sẽ có nhiều giải pháp như đấu giá đất sạch, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, thu từ cổ phần hóa... Bên cạnh đó, TP HCM mong muốn có được sự chung sức, sẻ chia từ ngân sách trung ương điều tiết cho thành phố. Nếu có được 1 đồng để chi phát triển, thành phố sẽ thu được 5 đồng. Do vậy, Quốc hội cần tăng tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách thành phố từ 18% lên 23%. Với 1% ngân sách để lại tăng thêm, TP HCM sẽ có thêm 2.000 tỉ đồng vốn mồi để từ đó gọi thêm vốn xã hội được 18.000-20.000 tỉ đồng. Nếu tỉ lệ điều tiết để lại cho TP HCM tăng lên 23% thì sẽ là đòn bẩy để thu hút thêm hàng trăm ngàn tỉ đồng đầu tư vào thành phố, giúp tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, góp sức đáng kể vào nền kinh tế của đất nước. Không quên ơn lực lượng tuyến đầu Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, tại kỳ họp đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội và Quốc hội sẽ có những đánh giá đúng mực, trân trọng về đội ngũ tuyến đầu đã chiến đấu không mệt mỏi trong cuộc chiến "không tiếng súng" chống lại dịch Covid-19, nhất là ở những điểm nóng với số ca bệnh nhập viện, số ca điều trị kéo dài và số người tử vong lớn. Cần chính sách riêng để vinh danh, đãi ngộ tương xứng với lực lượng tuyến đầu. Theo Người lao động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|