WHO chưa khuyến nghị sử dụng vaccine đặc hiệu ngừa biến thể Omicron thay cho loại cũ12/10/2022 - 16:25:00 Ngày 11/10, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến nghị nên sử dụng các loại vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron thay cho các vaccine ngừa COVID-19 thế hệ đầu.
Trong một tuyên bố, Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO cho biết các dữ liệu hiện tại chưa đủ thuyết phục để cơ quan này ra khuyến nghị ưu tiên sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 hai thành phần, tức thế hệ vaccine mới được bổ sung thành phần chống biến thể Omicron, thay cho các vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 ban đầu. Trao đổi với báo giới, Thư ký điều hành SAGE Joachim Hombach giải thích các loại vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới có khả năng trung hòa ở mức độ tương tự vaccine cũ đối với chủng virus gốc và cao hơn một chút đối với biến thể Omciron. Theo ông, đây là hiệu quả tương đối khiêm tốn có thể thấy trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, điều mà các nhà khoa học vẫn chưa thể làm là liên kết các dữ liệu trong phòng thí nghiệm này với bằng chứng về sự gia tăng khả năng bảo vệ về mặt lâm sàng vì dữ liệu như vậy vẫn chưa có sẵn. Ông Hombach cũng cho biết do các khuyến nghị từ SAGE và WHO cần phải có bằng chứng thực nghiệm rõ ràng, vì vậy họ không thể đưa ra bất kỳ khuyến nghị ưu tiên sử dụng vaccine thế hệ mới so với các vaccine thế hệ cũ. Ông nhấn mạnh những vaccine trên đều hiệu quả và an toàn, song điều quan trọng hơn là người dân cần tiêm vaccine để tạo kháng thể, dù là vaccine thế hệ mới hay cũ. Theo người đứng đầu SAGE, đây là điều tạo nên sự khác biệt trong công tác chống dịch COVID-19. Hiện có 4 loại vaccine ngừa COVID-19 bào chế theo công nghệ mRNA có chứa thành phần tăng cường chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron như BA.1 hay BA.4/5 đã được các nước thế giới sử dụng như liều tăng cường cho người đã tiêm đủ các liều cơ bản bằng vaccine thế hệ đầu. Tuy nhiên, lượng vaccine thế hệ mới này trên thị trường thế giới còn khá hạn chế và nhiều nước đã cảnh báo về tâm lý chờ đợi, khi người dân không tiêm loại cũ mà chờ có loại mới. Điều này được cho là khá nguy hiểm, nhất là ở một số nước châu Âu và Mỹ, những khu vực đang đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 mới khi mùa Đông đến gần. Biến thể Omicron hiện chiếm đến 99,9% các mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2 được giải trình tự gene trong 30 ngày qua và được đăng tải trên dữ liệu của sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID. Trong số đó, dòng phụ BA.5 tiếp tục gây bệnh chủ đạo trên toàn cầu với 81%, tiếp đến là dòng phụ BA.4 với 8% và BA.2 với 3%. Tính đến ngày 2/10, WHO ghi nhận hơn 615 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Theo TTXVN/Tin Tức
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|