Các khuyến nghị tạm thời được WHO ban hành là kêu gọi tăng cường các cơ chế quốc gia nhằm kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ, cải thiện việc chuẩn đoán trong phòng thí nghiệm và đẩy mạnh việc xác định những người tiếp xúc bệnh nhận. Ngoài ra, WHO thúc giục các nước tăng cường giám sát biên giới đối với trường hợp mắc bệnh, đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin và nâng cao nhận thức của công chúng về căn bệnh này và các biện pháp phòng ngừa.
Hiện bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 17 quốc gia châu Phi, với hơn 38.000 người mắc và hơn 1.400 người tử vong. Tâm dịch vẫn là Cộng hòa Dân chủ Congo, với 92% số các mắc bệnh được phát hiện ở châu Phi năm nay.
Còn tại Ấn Độ, chính phủ nước này vừa ban hành chỉ đạo với nhà chức trách quản lý các sân bay, cảng và lực lượng biên phòng, yêu cầu duy trì cảnh giác trước sự gia tăng các ca đậu mùa khỉ trên toàn cầu.
Theo đó, Ấn Độ yêu cầu tăng cường giám sát khu vực biên giới với Bangladesh và Pakistan. Ngoài ra, 3 bệnh viện tuyến trung ương sẽ thiết lập khu vực cách ly để điều trị bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ là Safdarjung, Ram Manohar Lohia và Lady Hardinge.
Hồi tuần trước, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ đã có cuộc họp với các chuyên gia, các bang và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia (NCDC) để bàn về nguy cơ từ loại virus mới, vốn được cho là khác với virus đậu mùa khỉ trước đây.
Theo một quan chức y tế Ấn Độ, giới chức nước này thống nhất rằng đây là loại virus tự giới hạn. Không có mối tương quan nào giữa đậu mùa khỉ và Covid-19; và các triệu chứng của đậu mùa khỉ giống như bệnh thủy đậu và phân biệt bằng dấu hiệu phát ban.
Hiện, Ấn Độ đã tăng cường giám sát tại các điểm nhập cảnh. 32 trung tâm xét nghiệm của Hội đồng Nghiên cứu y học Ấn Độ (ICMR) cũng đã sẵn sàng để xử lý các mẫu bệnh phẩm và phát hiện mầm bệnh. Các chuyên gia y tế Ấn Độ cũng xác nhận nguy cơ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ là cao nhưng ít có khả năng bệnh này sẽ ảnh hưởng tới Ấn Độ. Theo đánh giá hiện tại, nguy cơ bùng phát dịch là lớn nhưng khả năng lây truyền kéo dài là thấp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế do tình trạng phổ biến ở nhiều nơi tại châu Phi. Tuy nhiên, WHO hiện chưa đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào về đi lại.