Mục tiêu xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm quán triệt, hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương.
Nội dung chủ yếu của dự thảo Chỉ thị được kết cấu gồm 3 phần, đó là: xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 và tổ chức thực hiện.
Dự thảo Chỉ thị quy định các yêu cầu xây dựng và nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; trong đó, trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá, ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách và quản lý.
Theo đó, nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, khách quan, trung thực, chính xác, có so sánh với năm 2021 về các kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục; trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh, xung đột …
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương dự báo tình hình trong nước, khu vực, quốc tế. Từ đó, dự kiến mục tiêu của năm 2023; đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2023.
Đối với nội dung dự thảo Chỉ thị về xây dựng Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 được tổng hợp theo đề xuất của Bộ Tài chính và bổ sung, hoàn thiện các nội dung quy định về xây dựng kế hoạch đầu tư công.
Theo đó, giai đoạn 2023-2025 quyết định việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025. Mục tiêu cho công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 là đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công gắn với phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025…
Về tổ chức thực hiện xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết nội dung, tiến độ việc xây dựng Kế hoạch; xây dựng Đề cương báo cáo “Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023” của cả nước, phân công nhiệm vụ, tiến độ báo cáo cụ thể đối với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong tháng 6 năm 2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) cho địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hướng dẫn các ngành, các cấp trực thuộc xây dựng Kế hoạch thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách và của địa phương; gửi các báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/7/2022.
Về tổ chức thực hiện xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể về nội dung, tiến độ xây dựng Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2023 phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.