Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 ra Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Tháng 10/1973, Bộ Chính trị phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực. Theo đó, ngày 24/10/1973, Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết thắng được thành lập ở miền Bắc. Tại chiến trường miền Nam, Quân đoàn 2 mang tên Binh đoàn Hương Giang được thành lập ngày 17/5/1974. Tại căn cứ miền Đông Nam Bộ, ngày 20/7/1974, Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long được thành lập. Tiếp đó, ngày 27/3/1975, Quân đoàn 3 được thành lập ở Tây Nguyên. Ngoài 4 quân đoàn nói +trên, ta còn tổ chức Binh đoàn 232 tương đương cấp quân đoàn. Việc tập trung xây dựng thành công các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước trưởng thành mới về quy mô tổ chức lực lượng, tạo nên sự thay đổi về chất, mở ra khả năng tiến hành các chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn kết thúc chiến tranh.
Tại các địa phương ở miền Bắc, các lực lượng cũng được huy động ở mức cao nhất để chi viện cho chiến trường. Từ tháng 1 đến tháng 9/1973, trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ, gồm 2 sư đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh, 1 sư đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn thiết giáp, 1 trung đoàn công binh và các đơn vị quân bổ sung đã hành quân từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Nhờ có sự bổ sung kịp thời đó, LLVT ba thứ quân ở miền Nam có bước phát triển mới về số lượng, trang bị và trình độ chiến đấu. Đến cuối năm 1973, bộ đội chủ lực gồm 10 sư đoàn, 24 trung đoàn, 102 tiểu đoàn bộ binh và binh chủng. Lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích được củng cố về tổ chức, phát triển về lực lượng (có khoảng 19 vạn người).
Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm và xác định, nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đã đề nghị cho tuyển 30 vạn quân để bổ sung và tăng cường chất lượng mới cho LLVT hai miền Nam-Bắc.
Với miền Nam, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo huy động vật lực tại chỗ, lấy vũ khí, phương tiện của địch trang bị cho mình, kể cả chọn dùng số tù hàng binh, để phục vụ chiến đấu. Tới cuối năm 1974, bộ đội chủ lực trên chiến trường miền Nam được tổ chức tới cấp quân đoàn, gồm 16 sư đoàn bộ binh và các lữ đoàn, trung đoàn binh chủng. Đây là những đơn vị cơ động trên địa bàn quân khu, lực lượng chiến đấu tại chỗ và có thể phối hợp chiến đấu với các quân đoàn trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Các chiến trường đã thực hiện nhiều biện pháp bổ sung quân số, nâng cao chất lượng chiến đấu của LLVT địa phương, nhất là các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh và các đội du kích xã trên những địa bàn trọng điểm.
Ở miền Bắc, ta chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng để sẵn sàng mở rộng lực lượng khi cần thiết, chi viện miền Nam kịp thời. Ta tiến hành củng cố, nâng cao sức chiến đấu của một số sư đoàn làm lực lượng cơ động trực thuộc Bộ và các quân khu như: Sư đoàn 316 được điều động về miền Tây tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Sư đoàn 341 chuyển từ đơn vị khung huấn luyện quân tăng cường cho chiến trường thành một sư đoàn cơ động có đủ số quân và trang bị theo biên chế. Các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ được tập trung xây dựng, bồi dưỡng để tăng cường khả năng chiến đấu bảo vệ địa phương và bảo đảm phục vụ chiến đấu. Các quân chủng, binh chủng cũng được xây dựng theo hướng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu tác chiến của các quân đoàn khi tiến hành các chiến dịch.
Để chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật và sản xuất quốc phòng của toàn quân, Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Tổng cục Kỹ thuật. Về bảo đảm hậu cần, hơn 3 vạn bộ đội, cán bộ, công nhân kỹ thuật, thanh niên xung phong được điều động vào Trường Sơn phối hợp với lực lượng của Đoàn 559 thi công, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống đường chiến lược phía Tây và xây dựng cơ bản đường chiến lược phía Đông dãy Trường Sơn.
Nhờ có chủ trương đúng và biện pháp thích hợp trong xây dựng LLVT nên tới tháng 4/1975, ta đã nâng tổng quân số lên 124 vạn, giành ưu thế về mặt quân sự so với địch trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, theo tỷ lệ: ta 2, địch 1.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. 17 giờ, ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, quân ta tiến vào cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, bắt tổng thống và toàn bộ nội các chính quyền tay sai. Sau 55 ngày đêm chiến đấu, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã thu được thắng lợi hoàn toàn, miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối. Có thể thấy, thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó phải kể đến lực của ta mạnh hơn hẳn địch, tạo cơ sở vững chắc để giành toàn thắng.
Ngày nay, trước yêu cầu trong tình hình mới, Đảng ta đã xác định, đến năm 2025, xây dựng QĐND “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc đến năm 2030 xây dựng QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn, cấp thiết, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cho Quân đội đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Do vậy, những kinh nghiệm quý trong xây dựng LLVT chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn cần tiếp tục được nghiên cứu và phát huy.
Hải Hà