Xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2021 giảm tới 17,4% so với cùng kỳ năm 2020 . |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2021 ước đạt 450 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, chiếm 38,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 225,9 nghìn tấn và 137,6 triệu USD, giảm 28,3% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh gồm: Trung Quốc (gấp 2,3 lần); Australia (tăng 81,1%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2021 đạt 547,9 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Về chủng loại xuất khẩu, trong hai tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,9% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 30,8%; gạo nếp chiếm 26,3%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,9%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%.
Trong tháng 3/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo Việt Nam đạt 547 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 2/2021 và tăng 19,1% so với tháng 3/2020. Tính bình quân trong quý I/2021, giá gạo xuất khẩu bình quân đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 547USSD/tấn. Nguyên nhân tăng do nhu cầu mua gạo Đông Xuân vụ mới từ Việt Nam của các đối tác nước ngoài tăng cao.
Trong khi đó, giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 396 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng 401 USD/tấn vào cuối tháng. Hiện gạo Ấn Độ đang có giá thấp nhất trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất nên khả năng cạnh tranh tương đối cao so với các nước còn lại. Với Thái Lan, giá gạo đạt mức 538 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 509 USD/tấn vào cuối tháng, nguyên nhân chính là do tỷ giá giảm.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 3/2021, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến giảm. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 giảm từ 7.100 đồng/kg xuống 6.600 đồng/kg; lúa OM 2514 giảm từ 7.000 đồng/kg xuống 6.600 đồng/kg; gạo thường có giá 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giảm mạnh, từ 7.300 – 7.400 đồng/kg xuống còn 6.300 – 6.400 đồng/kg; lúa OM 6976 giảm còn 6.400 – 6.600 đồng/kg,…
Nhìn lại 3 tháng đầu năm, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long không biến động nhiều, với các mức giá ở thời điểm hiện tại xấp xỉ hồi đầu tháng 1, khi bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân thị trường mới sôi động hơn, giá lúa diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo bắt đầu từ cuối tháng 3/2021 sẽ sôi động hơn khi nguồn cung lúa hàng hóa có mặt trên thị trường dồi dào và các doanh nghiệp đã hoàn tất chế biến gạo xuất khẩu./.