Quân đội Israel và các quan chức Palestine đang báo cáo tổn thất nặng nề trong cuộc giao tranh dữ dội ở Dải Gaza, trong khi Israel đối mặt với áp lực phải nhanh chóng đạt được mục tiêu loại bỏ Hamas.
Mô tả một trong những ngày chết chóc nhất đối với lực lượng Israel ở Gaza kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hai tháng trước, quân đội nước này ngày 13/12 cho biết, 10 binh sĩ của họ đã thiệt mạng vào ngày trước đó ở trong một trận chiến đô thị trực diện với các tay súng Hamas.
Theo quân đội Israel, kể từ khi chiến sự bắt đầu, 115 binh sĩ Israel đã thiệt mạng và khoảng 600 người bị thương ở Gaza. Đó là con số thương vong lớn hơn tất cả các chiến dịch mà quân đội Israel từng trải qua ở Gaza trước đây. Ít nhất 20 trong số quân nhân Israel thiệt mạng là do tai nạn, chủ yếu là do hỏa lực từ đồng đội.
Danny Danon, một nhà lập pháp Israel trong đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cho biết: “Tôi lo lắng rằng chúng tôi sẽ tuyên bố chiến thắng trước khi (thực sự) giành chiến thắng trong cuộc chiến. Chúng ta cần làm rõ mục tiêu chính xác của cuộc chiến là gì, chiến thắng và tiêu diệt Hamas thực sự có ý nghĩa gì.”
Giao tranh chuyển sang cận chiến, Israel chịu tổn thất nặng hơn
Bất chấp số người chết tăng cao ở Gaza, cả Israel và Hamas đều không sẵn sàng sớm rút lui khỏi cuộc chiến và mỗi bên đều đang ép nhau đầu hàng.
Hamas đã coi những trường hợp tử vong gần đây của Israel là một chiến thắng tuyên truyền. Nhóm này tuyên bố hôm 13/12: “Các ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút khỏi Gaza. Ở đó càng lâu thì số người chết và mất mát của các ông sẽ càng lớn.”
Thương vong cao hơn của Israel phản ánh sự thay đổi trong chiến thuật chiến tranh của quân đội, tập trung nhiều hơn vào đô thị, tác chiến trên bộ và các hoạt động có mục tiêu hơn. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, Israel hầu như chỉ dựa vào các cuộc oanh tạc trên không.
Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho biết: “Chúng tôi càng hoạt động rộng rãi trong dải đất này thì chúng tôi càng đối mặt nhiều (với tay súng Palestine) và đáng tiếc là càng có nhiều người bị thương”. Ông Hagari cho biết cuộc giao tranh cũng khiến nhiều phiến quân Hamas bị tiêu diệt hoặc đầu hàng.
Shalom Ben Hanan, cựu quan chức tình báo cấp cao của Israel, cho biết: Giao chiến từ nhà này sang nhà khác và “lục soát mọi thứ từ gần thay vì tiêu diệt chúng từ xa” là một phần trong chiến lược của Israel nhằm giảm thương vong cho dân thường. "Nhưng điều đó đang khiến quân đội Israel trả giá, và trong giới quân sự - an ninh, một số người đang bắt đầu đặt câu hỏi về chiến lược này”.
Ông Ben Hanan cũng nói rằng: “Tôi đã nghe thấy những lời chỉ trích rằng điều đó là không ổn và chúng tôi phải chiến đấu theo cách khác, rằng chúng tôi phải chiến đấu theo cách an toàn hơn cho binh lính IDF. Họ đang hỏi ‘liệu có cần thiết phải chiến đấu theo cách này so với xe tăng và máy bay hay không’”.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng Israel sẽ cần ít nhất hai tháng nữa để đạt được hiệu quả mục tiêu tiêu diệt Hamas và loại bỏ mối đe dọa mà nhóm này gây ra cho Israel.
Miri Eisin, một đại tá đã nghỉ hưu của cơ quan tình báo quân đội Israel, cho biết: “Nếu có thời gian đến cuối tháng 1, rất có thể chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu chiến lược là triệt tiêu phần lớn năng lực quân sự của Hamas”. Bà Eisin nói thêm, mục tiêu thứ hai trong cuộc chiến của Israel - giải cứu nốt 135 con tin - sẽ đòi hỏi các cuộc thương lượng, mà Israel có thể tạo sức ép bằng nhiều hành động quân sự hơn.
Bà Eisin nói, một trong những thách thức nổi bật nhất của Israel là phá hủy mạng lưới đường hầm ngầm dài khoảng 500km của Hamas, mạng lưới đường hầm rất quan trọng để nhóm này di chuyển lực lượng chiến đấu và vũ khí. Hôm 12/12, Israel đã bắt đầu bơm nước biển vào làm ngập các đường hầm như vậy.
Áp lực từ Mỹ
Israel phải đối mặt với áp lực trực tiếp ngày càng tăng từ Mỹ nhằm kết thúc các hoạt động chiến đấu tích cực ở Gaza. Khi được hỏi hôm 13/12, liệu Israel có đang điều chỉnh chiến thuật chiến tranh của mình để phù hợp với yêu cầu của Mỹ về giảm thiểu thương vong cho dân thường hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã nói rằng “không ai quyết định cho chúng tôi cách hành động”.
“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tìm ra cách để người Mỹ giúp đỡ chúng tôi. Họ muốn chúng tôi thành công”, ông Gallant nói thêm.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan có kế hoạch đến thăm Israel trong ngày 14/12 và cho biết ông sẽ trao đổi với Thủ tướng Netanyahu về thời gian biểu chấm dứt các hoạt động chiến sự lớn. Ông Sullivan cho biết điều này không có nghĩa là Israel phải ngừng truy đuổi Hamas, nhóm mà Mỹ cũng coi là nhóm khủng bố. “Điều đó chỉ có nghĩa là bạn chuyển sang một giai đoạn khác với loại hoạt động cường độ cao mà chúng ta thấy ngày nay”, ông Sullivan cho biết ngày 13/12.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu đã tranh luận về việc ai sẽ quản lý Dải Gaza sau chiến tranh. Ông Biden cho biết, chính quyền Mỹ muốn Chính quyền Palestine (PA), hiện đang quản lý Bờ Tây, sẽ nắm quyền kiểm soát Gaza. Trong khi đó, ông Netanyahu mạnh mẽ bác bỏ đề xuất của Mỹ. Trước đó ông cho biết quân đội Israel đang có kế hoạch duy trì quyền kiểm soát vô thời hạn đối với dải đất này.
Với các cuộc oanh tạc dữ dội trên không và chiến đấu trên bộ diễn ra ở phía Bắc và phía Nam Gaza, trong lúc hệ thống chăm sóc sức khỏe đang tan rã, cuộc chiến đang bước vào một giai đoạn mới chết chóc hơn.
Các lực lượng của Israel đang áp sát thị trấn Jabalia ở phía Bắc Gaza và khu lân cận Shujaiya của Thành phố Gaza, nơi diễn ra một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất kể từ đầu xung đột đến nay. Đây là nơi Israel cho rằng Hamas đang duy trì một số chiến binh hàng đầu của họ.
Hôm 13/12, quân đội Israel cho biết một số binh sĩ, trong đó có một sĩ quan cấp cao, đã thiệt mạng trong trận chiến căng thẳng kéo dài một tuần chống lại phiến quân ở Shujaiya, đồng thời mô tả đây là một không gian chiến đấu phức tạp đặt ra những thách thức đáng kể cho việc điều động lực lượng.
Trong trận chiến, các tay súng Hamas đã quăng chất nổ vào binh sĩ Israel và bắn từ các tòa nhà dân cư. “Những kẻ khủng bố Hamas hoạt động từ bên trong cơ sở hạ tầng dân sự và khu vực lân cận tràn ngập các đường hầm dưới lòng đất”, thông báo của IDF cho biết.
Kể từ khi lệnh ngừng bắn tạm thời kết thúc hai tuần trước, giao tranh đã gia tăng ở phía Nam dải đất, khi lực lượng Israel tăng cường cận chiến với chiến binh Hamas ở trong và xung quanh thành phố Khan Younis, phía nam Gaza.
Trong khi đó, sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza đang khiến việc điều trị cho thường dân bị thương ngày càng khó khăn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong số 36 bệnh viện ở Gaza, 11 bệnh viện hiện đang hoạt động, thì chỉ một trong số đó ở phía Bắc.
Theo Liên hợp quốc, tình trạng thiếu nước sạch, thuốc men và tình trạng quá đông đúc ở phía Nam dải đất đang góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe tồi tệ ở Gaza; các bệnh dịch, trong đó có nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và thủy đậu lây lan nhanh chóng.
Lực lượng Israel cũng đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Bờ Tây, nhằm đáp trả những gì họ mô tả là hoạt động khủng bố gia tăng ở đó. Quân đội Israel ngày 13/12 cho biết trong chiến dịch kéo dài 30 giờ tại trại tị nạn Jenin, khoảng 400 tòa nhà đã được khám xét và hàng trăm nghi phạm bị bắt giữ. Một số lượng lớn vũ khí, đạn dược và chất nổ đã bị tịch thu.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Bờ Tây đã chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza, với 271 người Palestine thiệt mạng trên vùng lãnh thổ này và Đông Jerusalem, hầu hết là bị lực lượng Israel sát hại. Con số đó khiến năm 2023 trở thành năm nguy hiểm nhất đối với người Palestine ở Bờ Tây kể từ ít nhất là năm 2005.